Nepal: Mỗi người leo núi Everest phải dọn về 8kg rác thải

Chính phủ Nepal đã chỉ thị người leo núi trên đỉnh Everest sẽ phải thu dọn và mang về 8kg rác thải nhằm dọn sạch đỉnh núi.
Rác thải thu được tại khu vực đỉnh Everest. (Nguồn: AFP)

Chính phủ Nepal đã chỉ thị người leo núi trên đỉnh Everest sẽ phải thu dọn và mang về 8kg rác thải nhằm dọn sạch đỉnh núi - nơi đã trở thành bãi rác cao nhất thế giới.

Điều luật này là một trong số những biện pháp liên quan tới hoạt động leo núi ở vùng núi Himalaya, và sẽ có hiệu lực đối với những người leo núi từ trại căn cứ Everest trở lên, bắt đầu từ tháng Tư tới, theo phát biểu của ông Madhusudan Burlakoti thuộc Bộ Du lịch Nepal.

Ông cho biết, “Chính phủ đã quyết định rằng để dọn sạch đỉnh Everest, mỗi thành viên của các đoàn leo núi phải mang về ít nhất 8kg rác thải, không kể rác do họ thải ra.”

Ông Burlakoti cũng nhấn mạnh rằng các cơ quan chức năng Nepal sẽ có những biện pháp pháp lý đối với những người không chấp hành điều luật này. Những biện pháp trên có thể liên quan tới phạt tiền hoặc tịch thu tiền gửi bắt buộc của người leo núi.

Hoạt động leo núi diễn ra trong hàng thập kỷ đã tác động xấu tới đỉnh núi cao nhất thế giới, nơi giờ đã trở thành một “bãi rác” với rác thải từ các cuộc thám hiểm, bao gồm bình oxy, chất thải của con người hay thậm chí là thi thể của những người leo núi không phân hủy được do thời tiết quá lạnh.

Tháng trước, Nepal đã giảm phí đối với những người leo ngọn núi nổi tiếng này và các đỉnh núi khác trong khu vực Himalaya nhằm thu hút thêm các nhà leo núi, dấy lên những vấn đề về giao thông và môi trường. Ngoài ra, vụ ẩu đả giữa những người leo núi châu Âu với hướng dẫn viên địa phương xảy ra vào năm ngoài cũng gây nên những quan ngại về an ninh.

Eco Everest, cuộc thám hiểm được tổ chức hàng năm nhằm mục đích giữ sạch môi trường đỉnh Everest, đã thu được khoảng 15 tấn rác, 600kg chất thải và 6 thi thể từ năm 2008 tới nay.

Mặc dù các đoàn thám hiểm đều phải ứng ra 4.000 USD và chỉ được trả lại khi các thành viên chứng minh được mình đã mang về tất cả những gì họ mang lên núi, việc quản lý và xử lý vi phạm vẫn còn nhiều vấn đề.

“Những cố gắng trước đây của chúng tôi không hiệu quả lắm. Lần này, nếu như người leo núi không mang rác thải về, chúng tôi sẽ có những biện pháp pháp lý và xử phạt họ,” Burlakoti nhấn mạnh.

Chính phủ cũng đang xem xét việc xây dựng nhà vệ sinh tại trại căn cứ, mặc dù địa hình và thời tiết có thể khiến các công trình như vậy khó đứng vững. Về vấn đề an ninh, quân đội và công an cũng sẽ được bố trí tại trại căn cứ để người leo núi có thể tiếp cận nếu có bất kì vấn đề an ninh nào xảy ra.

Những bình oxy, bình gas, dây thừng, lều bạt, lon bia, thủy tinh, nhựa và thậm chí là những phần còn sót lại của một chiếc trực thăng đã tạo ra 75 tác phẩm nghệ thuật trong một triển lãm tại Kathmandu vào năm 2012, nhằm nhấn mạnh tác động của những cuộc thám hiểm trên núi tới môi trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục