Nepal lỡ hạn chót thông qua Hiến pháp mới do vấp phải phản đối

Ngày 22/1, các nghị sỹ quốc hội Nepal đã bỏ lỡ hạn chót thông qua bản Hiến pháp mới, trong bối cảnh phe phái đối lập tiếp tục tổ chức đình công và gây rối.
Nepal lỡ hạn chót thông qua Hiến pháp mới do vấp phải phản đối ảnh 1Các nghị sỹ đối lập xông vào nghị trường và gây rối hôm 22/1. (Nguồn: AFP)

Ngày 22/1, các nghị sỹ quốc hội Nepal đã bỏ lỡ hạn chót thông qua bản Hiến pháp mới, trong bối cảnh phe phái đối lập tiếp tục tổ chức đình công và gây rối.

Chủ tịch Quốc hội Nepal Subash Nembang đã buộc phải hoãn phiên họp của cơ quan lập pháp này sau khi các nghị sỹ đối lập xông vào nghị trường, hô các khẩu ngữ chống đối và gây rối trong gần 3 giờ.

Trong khi đó, người biểu tình ủng hộ phe đối lập mang theo các biểu ngữ chống chính phủ tuần hành trên khắp các đường phố ở thủ đô Kathmandu và hàng chục phương tiện đã bị đốt cháy do xung đột giữa các bên. Lời kêu gọi đình công do liên minh 30 đảng đối lập phát động cũng khiến nhiều trường học, cửa hàng và trung tâm vận tải phải đóng cửa. Cảnh sát đã bắt giữ 50 người biểu tình khi nhóm người này tìm cách biến cuộc biểu tình thành bạo lực.

Đây không phải lần đầu tiên phe đối lập cản trở việc Quốc hội thảo luận thông qua bản Hiến pháp mới do đảng Cộng sản Nepal Marxist Leninist thống nhất (CPN-UML) trong liên minh cầm quyền đề xuất. Hai phiên họp diễn ra trong ngày 20/1 đã bị gián đoạn sau các hành động gây rối của phe đối lập.

Hiện cả liên minh cầm quyền và phe đối lập tại Nepal đều bảo lưu quan điểm và không có kế hoạch gặp nhau để tháo ngòi xung đột. Chủ tịch CPN-UML Jhalnath Khanal cho biết đảng này sẽ tiếp tục đưa dự thảo Hiến pháp mới ra Quốc hội xem xét bất chấp sự phản đối của phe đối lập. Trong khi đó, đảng Maoist (UCPN) lớn thứ ba tại Nepal nói rằng phe đối lập kiên quyết chống đối và sẽ không “xuống nước” với liên minh cầm quyền.

Mặc dù đã có những cuộc thảo luận gay gắt, các nghị sỹ Nepal vẫn chưa đạt được tiếng nói chung về bản hiến pháp mới do bất đồng liên quan đến các vấn đề then chốt như chế độ liên bang, dạng thức của chính phủ, hệ thống tư pháp và bầu cử.

Trong khi phe đối lập đòi lập thêm một số tỉnh mới theo cách có thể có lợi cho các cộng đồng lâu nay vẫn bị lãng quên thì đại diện các đảng khác cho rằng việc này nếu thực hiện sẽ gây ra sự chia rẽ và đe dọa tính thống nhất dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục