Nên mở rộng không gian tổ chức phát ấn đền Trần

Một số nhà nghiên cứu đề nghị không nên thay đổi nghi lễ truyền thống mà nên tăng số lượng ấn và mở rộng không gian lễ hội đền Trần.
Ngày 18/7, Ủy ban Nhân dân thành phố Nam Định phối hợp với Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đã tổ chức hội thảo khoa học "Mô hình tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần Nam Định năm 2012."

Dự thảo (lần 3) Đề án tổ chức lễ hội đền Trần Nam Định năm 2012 do Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam trình bày đầu buổi hội thảo đề cập đến hai phương án.

Theo phương án thứ nhất, sẽ khai ấn mà không tổ chức phát ấn rộng rãi. Tuy có những ưu điểm như khắc phục được "ngay lập tức" các khuyết điểm của lễ hội, giảm tải cho Ban tổ chức..., phương án này cũng có những hạn chế như bị cộng đồng địa phương và một bộ phận công chúng phản đối, thể hiện "sự thất bại" của tỉnh và các cơ quan hữu quan trước các vấn đề của đời sống văn hóa tinh thần, dễ tạo ra mâu thuẫn giữa một bộ phận người dân với các cấp chính quyền.

Phương án thứ hai là vẫn khai ấn như thường lệ, phát ấn vào ngày hôm sau và kéo dài trong 2 hoặc 3 ngày. Ưu điểm của phương án này là tạo điều kiện cho việc kiểm soát trật tự, an ninh; cân bằng các lợi ích...

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, đại diện chính quyền, nhân dân sở tại, dòng họ Trần và một số nhà nghiên cứu địa phương đề nghị không nên thay đổi nghi lễ truyền thống mà nên tăng số lượng ấn và mở rộng không gian lễ hội để hạn chế tình trạng chen lấn, xô đẩy, đồng thời tăng cường công tác an ninh trật tự. Các ý kiến này cũng e ngại rằng nếu phát ấn vào sáng ngày hôm sau sẽ không tránh khỏi chen lấn mà còn kéo theo những vấn đề phức tạp, "gây tâm lý không bình thường trong người dân."

Ông Trần Chiến Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lại cho rằng thời gian qua dư luận quá tuyên truyền về tác dụng của lá ấn nên tạo ra tâm lý mê tín. Thực ra, chưa ai thống kê được trong số 15.000 người nhận ấn hàng năm, có bao nhiều người được thăng quan tiến chức, bao nhiêu người bị khuynh gia bại sản...

Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại của lễ hội, ông Thắng cho rằng không nên hạn chế lượng ấn phát ra. Đồng thời, nên mở rộng không gian hành lễ và nơi phát ấn để nhân dân cùng chứng kiến vì có như vậy lễ hội mới thực sự là lễ hội của nhân dân.

Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, nhấn mạnh tất cả các di sản dù lớn, dù nhỏ phải được coi trọng như nhau. Di sản không phải của riêng ai. Khi quyết định vận mệnh của một di sản phải có cái nhìn toàn diện. Khai ấn đền Trần là một tập quán, một biểu hiện văn hóa có giá trị do cộng đồng tạo ra và được truyền từ đời này sang đời khác. Tập quán này đã trở thành bản sắc và được cộng đồng coi là một phần của mình. Tập quán này góp phần làm đa dạng văn hóa. Vấn đề là chúng ta phải giải quyết các vấn đề của tập quán chứ không phải dừng lại tập quán đó.

Cũng theo tiến sỹ Minh Lý, để bảo vệ và phát huy giá trị lễ khai ấn đền Trần, cần tăng cường thông tin, giới thiệu giá trị đích thực của lễ hội để mọi người không ngộ nhận, tránh hiểu nhầm. Thứ hai là phải trao quyền lại cho cộng đồng; không nên có nghi thức chính trị, hành chính và không phát ấn rộng rãi. Công việc tổ chức bảo vệ, bảo trợ thì cần phải có sự hỗ trợ của nhà nước vì cộng đồng không thể làm nổi. Ngoài ra, để thực hành di sản này cần phải có cam kết giữa cộng đồng với chính quyền. Có như vậy mới duy trì di sản được bền vững.

Tham luận phản biện, sau khi dẫn một loạt bằng chứng, tiến sỹ Nguyễn Hồng Kiên (Viện khảo cổ học Việt Nam) khẳng định ấn Trần Miếu Tự Điển được dùng trong việc đóng ấn tại đền Trần Nam Định chỉ là ấn tín ngưỡng và nó chỉ quan trọng đối với dân làng Lộc Vượng, chứ không có ý nghĩa gì đối với toàn quốc như cách hiểu của nhiều quan chức và người dân. Ông cũng đề nghị trả lại lễ hội cho nhà đền và chính quyền các cấp không nên tham gia vào việc này nữa.

Cùng chung quan điểm này, tiến sỹ Nguyễn Văn Diện (Viện Nghiên cứu Hán-Nôm) cho rằng ấn đền Trần là ấn tôn giáo, lấy uy của Đức Thánh Trần để trị bệnh, trừ tà chứ không có chuyện thăng quan tiến chức gì trong đó. "Lễ khai ấn là của dân gian thì phải trả về cho dân gian. Không nên mời các vị lãnh đạo về đóng ấn, phát ấn, dẫn đến dư luận hiểu sai về ấn tín đền Trần," tiến sỹ Diện nói thêm.

Kết thúc hội thảo, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam, nhắc lại kết luận của Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch, theo đó sẽ "tiếp tục tổ chức lễ khai ấn đền Trần theo nghi lễ truyền thống."

Tất cả các ý kiến, tham luận tại hội thảo lần này sẽ được tổng hợp, nghiên cứu để xác lập phương án tổ chức để trình Ủy ban Nhân dân tỉnh và lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét quyết định để đưa vào thực hiện trong mùa lễ hội năm 2012./.

Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục