"Nên lập Ủy ban Quốc gia phòng, chống tham nhũng"

Đại biểu QH cho rằng dự án luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) thiếu cơ chế giám sát đủ mạnh để vận hành tích cực các quy định.
Chiều 9/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Về quan điểm, nguyên tắc và phạm vi sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng chỉ nên tập trung sửa đổi một số điều thật sự bức xúc đang gây khó khăn, vướng mắc cho việc thi hành luật và thể chế hóa kịp thời Nghị quyết của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng chỉ nên tập trung sửa đổi một số vấn đề về: đối tượng, nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập; vấn đề công khai tài sản thu nhập; vấn đề xác minh và đặc biệt là bộ máy phòng, chống tham nhũng chuyên trách; người đứng đầu và trách nhiệm của người đứng đầu.

Tuy nhiên một số đại biểu cho rằng việc sửa đổi toàn diện Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành là hết sức cần thiết và cấp bách; có thể làm theo quy trình rút gọn thông qua ngay tại kỳ họp thứ tư.

Các đại biểu Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh) và Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) cũng tán đồng với ý kiến trên.

Ủy ban Quốc gia về phòng, chống tham nhũng

Nhiều đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ quy định việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) đồng tình cho rằng việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban là đúng với tinh thần và nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng, bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cũng thể hiện sự đồng tình cao với chủ trương của Đảng khẳng định trách nhiệm chính trị của Tổng Bí thư trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Theo đại biểu, nên hình thành theo mô hình 2 trong 1; Tổng Bí thư, Bí thư cấp ủy sẽ là trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng; Phó ban thường trực là trưởng ban nội chính của các cấp ủy; các phó ban trực tiếp là các cấp phó của các cơ quan Thanh tra, Viện kiểm sát Nhân dân, Công an, Tòa án Nhân dân... phụ trách các bộ phận phòng, chống tham nhũng của mỗi đơn vị. Cơ quan này được hình thành theo quyết định để xác minh từng vụ việc cụ thể của người có thẩm quyền. Như vậy sẽ không phát sinh thêm một cơ quan hay một bộ máy.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) lại cho rằng nên thành lập cơ quan phòng, chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội để phù hợp với xu hướng của nhiều nước trên thế giới và lấy tên là Ủy ban Quốc gia về phòng, chống tham nhũng. Ủy ban Quốc gia về phòng, chống tham nhũng là cơ quan tối cao của đất nước trực thuộc cơ quan quyền lực cao nhất. Ủy ban có cơ chế đặc biệt, không tương đương hoặc giống các ủy ban khác của Quốc hội; trực thuộc và chịu trách nhiệm trước Quốc hội; có bộ máy hoạt động riêng, có một số đơn vị trực thuộc đảm nhiệm các chức năng phòng ngừa, điều tra, giám sát, pháp chế. Ủy ban không thuộc sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng vẫn chịu sự giám sát, chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp. Quốc hội sẽ bầu các chức danh chủ chốt của Ủy ban.

Đại biểu đề nghị Quốc hội sẽ bầu Tổng Bí thư làm Chủ tịch Ủy ban. Tổng Bí thư vừa là người phụ trách cao nhất công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, vừa có bộ máy tham mưu của Đảng, vừa có bộ máy nhà nước để thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng. Như vậy sẽ chính danh và hợp pháp.

Tán thành với việc việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhưng đại biểu Dương Ngọc Ngưu (Điện Biên) cho rằng không nên quy định ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong dự thảo luật mà nên quy định trong văn kiện của Đảng.

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) lại cho rằng không nên xáo trộn hệ thống cơ quan phòng, chống tham nhũng hiện nay. Đại biểu cho rằng cơ quan phòng, chống tham nhũng sẽ do Tổng Bí thư chỉ đạo nhưng Tổng Bí thư không làm công tác điều tra mà Quốc hội phải có cơ chế lựa chọn người đứng đầu cơ quan điều tra và cho phép cơ quan điều tra có những biện pháp đặc biệt để áp dụng điều tra, chứng minh tội phạm tham nhũng nhưng phải đặt thiết chế giám sát thường xuyên đối với cơ quan này. Đồng thời, cũng cần xử lý nghiêm các hiện tượng can thiệp vào hoạt động điều tra cũng như những người cố tình vi phạm pháp luật trong việc điều tra sai. Như vậy sẽ không xáo trộn hệ thống, không phải sửa toàn bộ hệ thống tư pháp hình sự mà vẫn thực hiện đúng cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Tăng cường cơ chế giám sát đối với công tác phòng, chống tham nhũng

Theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), dự án luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) còn thiếu một cơ chế giám sát đủ mạnh để những quy định của luật được vận hành tích cực trong cuộc sống vì thiếu cơ chế giám sát thì luật có đề ra nhiều quy định cũng không thể phát huy tác dụng, chỉ mang tính hình thức.

Để luật thực sự đi vào cuộc sống, đại biểu cho rằng ngoài việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Ban phòng, chống tham nhũng Trung ương cũng không thể thiếu một cơ chế giám sát của quần chúng, dư luận và báo chí.

Đại biểu dẫn chứng rằng thực tế cuộc sống đã chứng minh, chính quần chúng nhân dân và báo chí là trợ thủ đắc lực trong việc phát hiện các hành vi tham nhũng trong thời gian qua và chính dư luận quần chúng và báo chí là áp lực để cho việc thực thi các biện pháp phòng, chống tham nhũng được vận hành một cách tích cực và có kết quả cao.

Đại biểu Chu Lê Chinh (Lai Châu) cũng cho rằng thực tế hiện nay nhiều vụ việc tham nhũng do nhân dân và báo chí phát hiện là chính. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cụm từ: "khảo sát, gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, tiếp xúc báo chí" vào quy định tại điều 76 "Phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát." Như vậy, quy định về phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát sẽ là: "Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân thông qua hoạt động giám sát, khảo sát, gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, tiếp xúc báo chí có trách nhiệm phát hiện hành vi tham nhũng, yêu cầu hoặc kiến nghị việc xử lý theo quy định của pháp luật".../.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục