Nền kinh tế Việt Nam được đánh giá cao dù thương mại toàn cầu đình trệ

Theo Bloomberg, một trong những yếu tố quyết định sức hút này nằm ở chỗ tầng lớp trung lưu đang hình thành nhanh chóng trong xã hội Việt Nam, tạo sức mua ngày càng tăng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhiều phương tiện truyền thông nước ngoài trong tuần này đã đăng tải các bài viết đánh giá cao những thành tựu của nền kinh tế Việt Nam.

Ca ngợi sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, mạng Bloomberg (Mỹ) nhận định Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, từ một quốc gia chỉ xuất khẩu dầu thô, càphê và giày dép đã trở thành một trung tâm sản xuất thu hút những công ty lớn như Samsung Electronics Co của Hàn Quốc.

Theo Bloomberg, một trong những yếu tố quyết định sức hút này nằm ở chỗ tầng lớp trung lưu đang hình thành nhanh chóng trong xã hội Việt Nam, tạo sức mua ngày càng tăng.

Báo Financial Times (Anh) dẫn chứng những con số tăng trưởng ấn tượng trên nhiều lĩnh vực cho thấy sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam.

[Infographics] Tổ tư vấn kinh tế: GDP 3 năm tới có thể ở mức 6,85%

Năm 2017, Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á khi thu hút được 6 tỷ USD vào thị trường IPO. Trong quý đầu năm nay, GDP Việt Nam tăng trưởng 7,38%, cao nhất trong 10 năm gần đây, nhờ những bước tiến trong ngành công nghiệp và xây dựng.

Kể từ tháng Giêng, VN-Index đã tăng khoảng 17%, vượt trước các thị trường lớn ở châu Á và đưa thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trong những thị trường chứng khoán hàng đầu thế giới.

Việt Nam cũng đã vượt qua Indonesia và trở thành nước xuất khẩu lớn dù nền kinh tế Việt Nam chỉ bằng 1/5 nền kinh tế Indonesia.

Trong bài báo đăng tải trên chuyên trang phân tích của Viện Brookings Institution (Mỹ), tác giả đã gọi đất nước hình chữ S với cụm từ “điều kỳ diệu Việt Nam” sau khi nêu bật những thành tựu mà Việt Nam đạt được ngay cả khi nền thương mại toàn cầu đang bị đình trệ.

Theo bài báo, thương mại của Việt Nam đã tăng lên mức 190% GDP vào năm 2017, cao hơn nhiều so với mức 70% trong năm 2007. Trong những năm 2014-2016, khu vực sản xuất của Việt Nam đã tạo ra 1,5 triệu việc làm mới.

Tác giả cho rằng kinh nghiệm của Việt Nam có thể hữu ích không chỉ đối với các nước đang phát triển, mà còn đối với các nước phát triển.

Theo tác giả bài viết, những yếu tố quan trọng để Việt Nam đạt được những thành tựu này, bên cạnh những điều kiện khách quan như nguồn nhân lực trẻ giá rẻ, sự ổn định chính trị, vị trí địa lý gần với các tuyến đường vận chuyển chính... thì phải kể đến chính sách hợp lý của Chính phủ Việt Nam về hội nhập kinh tế toàn cầu, tự do hóa nội bộ và đầu tư vào nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông cũng phản ánh hai vấn đề cấp bách trong sự phát triển của nền kinh tế và xã hội Việt Nam, cần được lưu ý giải quyết.

The News Lens International, ở Việt Nam có “vấn đề nước” khi chỉ có 10% hộ gia đình và 25% xí nghiệp công nghiệp xử lý nước thải trước khi thải ra sông. Mức độ gia tăng lượng nước thải tại các đô thị ngày càng tăng đã dẫn đến xuất hiện ngày càng nhiều sông, hồ “chết” gây hại cho sức khỏe của hàng triệu người.

Tình trạng thiếu nước sạch và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu. Việc thu gom, phân loại và tái chế rác thải vẫn là các công việc lao động chân tay. Chỉ có từ 40 đến 60% rác thải được đưa đến các bãi chôn lấp chất thải./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục