Nền kinh tế Trung Quốc vẫn là chủ đề “nóng” trong tuần này

Trung Quốc vẫn là điểm "nóng" trong tuần này, với hàng loạt số liệu kinh tế sắp công bố giúp các chuyên gia phần nào ước đoán tình hình giảm tốc của nền kinh tế này.
Nền kinh tế Trung Quốc vẫn là chủ đề “nóng” trong tuần này ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Sau khi “nhuộm đỏ” các sàn chứng khoán toàn cầu trong tuần đầu tiên của năm 2016, Trung Quốc được đánh giá vẫn là điểm "nóng" trong tuần này, với hàng loạt số liệu kinh tế sắp công bố giúp các chuyên gia và nhà quan sát phần nào ước đoán tình hình giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Thị trường dậy sóng sau động thái Bắc Kinh hạ 1% giá trị đồng nhân dân tệ, cộng thêm nhiều yếu tố tiêu cực khác như tình hình bấp bênh của chứng khoán Thượng Hải, giá dầu thô trượt xuống "đáy" của 12 năm và thị trường chứng khoán Phố Wall khởi động năm nay ở mức thấp nhất kể từ năm 2001.

Theo kết quả khảo sát 25 chuyên gia phân tích do hãng tin Reuters tiến hành, số liệu xuất nhập khẩu của Trung Quốc, dự kiến sẽ công bố ngày 13/1, sẽ tiếp tục thể hiện xu hướng sa sút của nền kinh tế nước này.

Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 12/2015 ước giảm 8% so với cùng kỳ năm trước đó, sau khi hạ 6,8% trong tháng 11.

Trong khi đó, nhập khẩu của nước này trong tháng 12/2015 dự kiến cũng hạ 11,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong một báo cáo do Cục Thống kê Trung Quốc công bố mới đây, tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng 12/2015 tăng 1,6%, trong khi chỉ số giá cả xuất xưởng hàng hóa công nghiệp (PPI) ở mức -5,9%, ghi nhận 46 tháng liên tiếp chỉ số này ở trong vùng âm.

Điều này củng cố thêm những áp lực đối với các doanh nghiệp ngành chế tạo Trung Quốc, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này “nguội dần.”

Sang tuần tới, Trung Quốc dự kiến sẽ thông báo số liệu GDP quý 4/2015 và GDP của cả năm 2015 vào ngày 19/1, cùng với thống kê sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư vào tài sản cố định.

Chuyên gia của Goldman Sachs nhận định, mặc dù các động thái điều chỉnh giá đồng nhân dân tệ là đáng báo động, nhưng mối lo ngại chính vẫn là sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, hoạt động công nghiệp sa sút và giá hàng hóa sụt giảm.

Còn theo ông Li Wei, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ đối mặt với nhiều thách thức để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 6,5% trong giai đoạn 2016-2020.

Nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, chi phí lao động tại thị trường nội địa tăng lên làm giảm lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc, và quan ngại về môi trường khiến nước này không thể đẩy mạnh công nghiệp hóa nhanh như trước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục