Nền kinh tế Trung Quốc tránh được nguy cơ giảm phát “trong gang tấc”

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,8% trong năm ngoái, và sẽ chậm lại ở mức 4,5% trong năm nay.

Người dân mua sắm trong siêu thị ở Quý Châu (Trung Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân mua sắm trong siêu thị ở Quý Châu (Trung Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN)

Số liệu chính thức công bố ngày 9/1 cho thấy Trung Quốc đã tránh được nguy cơ rơi vào giảm phát trong tháng 12/2024, khi lạm phát tăng với tốc độ chậm nhất trong chín tháng, trong bối cảnh giới chức nước này đang nỗ lực thúc đẩy hoạt động tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Con số lạm phát yếu ớt này được công bố sau khi Chính phủ Trung Quốc đã triển khai một loạt các biện pháp vào cuối năm 2024, trong đó có cắt giảm lãi suất, nhằm thúc đẩy tiêu dùng cũng như hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn.

Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy các biện pháp này vẫn chưa phát huy tác dụng. Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia (NBS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo lạm phát chính, đã giảm từ mức 0,2% của tháng 11/2024 xuống 0,1% trong tháng 12/2024. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2024.

Trung Quốc đã thoát khỏi giai đoạn giảm phát kéo dài bốn tháng vào tháng 2/2024, một tháng sau khi nước này ghi nhận mức giảm giá mạnh nhất trong 14 năm.

Mặc dù giảm phát cho thấy chi phí hàng hóa đang giảm, nhưng nó lại đặt ra mối đe dọa đối với nền kinh tế nói chung vì người tiêu dùng có xu hướng trì hoãn mua sắm trong những điều kiện như vậy, với hy vọng giá sẽ giảm hơn nữa.

Việc thiếu cầu sau đó có thể buộc các công ty phải cắt giảm sản xuất, đóng băng tuyển dụng hoặc sa thải công nhân, đồng thời có khả năng phải giảm giá hàng tồn kho, làm giảm lợi nhuận ngay cả khi chi phí vẫn giữ nguyên.

Ông Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản Pinpoint Asset Management, nhận định dữ liệu kinh tế gần đây đã ổn định nhưng chưa tạo được động lực đủ mạnh để gây áp lực tăng giá tiêu dùng. Ông cho rằng áp lực giảm phát vẫn còn dai dẳng.

Hoạt động tiêu dùng trì trệ, cùng với những khó khăn dai dẳng trong lĩnh vực bất động sản và áp lực tài chính của các chính quyền địa phương, đã đặt ra những nghi ngại đối với tính khả thi của các mục tiêu tăng trưởng chính thức mà Trung Quốc đề ra.

Chủ tịch Tập Cận Bình tuần trước cho biết nền kinh tế nước này được dự đoán tăng trưởng khoảng 5% trong năm ngoái, phù hợp với mục tiêu chính thức của Chính phủ Trung Quốc. Nhưng các dự báo khác cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã không đạt được mục tiêu đó.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,8% trong năm 2024. IMF cũng dự báo tăng trưởng kinh tế tổng thể của Trung Quốc sẽ chậm lại ở mức 4,5% trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục