Kinh tế Trung Quốc trong quý 2/2018 tăng trưởng 6,7%, giảm 0,1% so với quý trước đó trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang.
Bắc Kinh cảnh báo tình trạng này nếu còn tiếp tục có thể gây tổn hại đến nền kinh tế toàn cầu.
Báo cáo của Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 16/7 cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chững lại trong quý 2/2018 dưới tác động của chính sách hạn chế những rủi ro nợ, trong khi tăng trưởng sản lượng công nghiệp trong tháng 6/2018 cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua, một dấu hiệu đáng lo ngại trong bối cảnh tranh chấp thương mại với Mỹ có nguy cơ gây thiệt hại cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc.
Số liệu còn cho thấy tăng trưởng đầu tư vào tài sản cố định trong nửa đầu năm nay đã chạm mức thấp kỷ lục, trong khi sản lượng công nghiệp tháng 6/2018 ghi nhận mức tăng chậm nhất trong hơn hai năm qua là 6%, thấp hơn con số dự đoán 6,5% được đưa ra trước đó.
Các số liệu không mấy khả quan kể trên đã củng cố quan điểm của thị trường cho rằng kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, và nhiều nhà phân tích đã kêu gọi chính phủ nước này có những biện pháp mạnh mẽ hơn để hỗ trợ nền kinh tế.
[Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Khi nào mới dừng lại?]
Chuyên gia Iris Pang của ING ở Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng Bắc Kinh cần phải giảm dần các biện pháp hạn chế rủi ro tài chính và chuyển trọng tâm sang các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng.
Theo chuyên gia Pang, nếu tình hình chuyển biến xấu hơn dự đoán, giới chức Trung Quốc phải tăng cường các biện pháp hỗ trợ cả về tài chính và tiền tệ.
Báo cáo về tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được công bố trong bối cảnh Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk kêu gọi Mỹ, Trung Quốc và Nga phối hợp với nhau để tránh một "cuộc xung đột và hỗn loạn" thương mại nhằm ngăn chặn nguy cơ căng thẳng thương mại biến thành một cuộc đối đầu khốc liệt./.