Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 15/3 thông báo trong 2 tháng đầu năm nay, doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng của nước này tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đảo ngược sự sụt giảm trong 3 tháng trước đó. Đây là một chỉ số quan trọng về sức mua của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo NBS, từ tháng Một đến tháng Hai, tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng của Trung Quốc đạt 7.700 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 1.120 tỷ USD).
Doanh số bán lẻ tăng trở lại trong bối cảnh Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, mở cửa lại biên giới và đón mừng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
[Lạm phát giá tiêu dùng tại Trung Quốc giảm thấp nhất trong một năm]
Mức tăng trưởng 3,5% trên phù hợp với kỳ vọng và tốt hơn nhiều so với mức giảm 1,8% trong tháng 12/2022, cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phục hồi.
Cùng với việc Bắc Kinh tuần này nối lại cấp thị thực du lịch, nền kinh tế Trung Quốc được dự báo tiếp tục cải thiện trong năm 2023.
NBS cũng cho biết đầu tư tài sản cố định cũng tăng trưởng ổn định trong 2 tháng đầu năm, một tín hiệu nữa phản ánh sự phục hồi kinh tế bền vững.
Cụ thể, các khoản đầu tư vào tài sản cố định đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên hơn 5.357 tỷ nhân dân tệ (khoảng 780 tỷ USD) trong cả tháng Một và tháng Hai.
Đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng đã ghi nhận mức tăng mạnh 9% trong cùng giai đoạn và đầu tư vào sản xuất cũng duy trì đà tăng trưởng, tăng 8,1%. Tuy nhiên, dòng vốn đổ vào phát triển bất động sản giảm 5,7%.
Phát biểu họp báo, người phát ngôn của NBS Fu Linghui cho biết hoạt động đầu tư sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và nước này sẽ đẩy mạnh đầu tư để giải quyết vấn đề phát triển không cân bằng.
Quan chức này cũng chỉ ra rằng thị trường bất động sản đã có một số chuyển biến tích cực mặc dù đầu tư vào lĩnh vực này tiếp tục giảm.
Theo ông, thị trường bất động sản vẫn đang trong quá trình điều chỉnh và sẽ dần ổn định nhờ sự cải thiện của nền kinh tế nói chung và kỳ vọng của thị trường./.