Kinh tế Trung Quốc có cần thêm các biện pháp hỗ trợ?

Nền kinh tế Trung Quốc có cần thêm các biện pháp hỗ trợ?

NBS vừa công bố số liệu cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng Sáu vừa qua tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 2% ghi nhận trong tháng Năm năm nay.
Một gian hàng bán dầu ăn ở siêu thị Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa công bố số liệu cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng Sáu vừa qua tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 2% ghi nhận trong tháng Năm.

Giới quan sát nhận định đây là chỉ dấu cho thấy Bắc Kinh cần triển khai thêm các biện pháp kích thích nhằm hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo báo cáo của NBS, tính trong nửa đầu năm nay, CPI của Trung Quốc tăng 2,1%. Hiện lạm phát của nước này vẫn đang duy trì ở mức thấp nếu so với mục tiêu mà Bắc Kinh đặt ra cho cả năm nay ở mức khoảng 3%, phản ánh nhu cầu nội địa của nước này vẫn yếu.

Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong tháng Sáu chỉ tăng 4,6%, so với mức tăng 5,9% trong tháng trước đó. Trong khi đó, giá các mặt hàng phi lương thực trong tháng trước tăng 1,2%, nhỉnh hơn so với mức tăng 1,1% ghi nhận trong tháng Năm vừa qua.

Trước tình hình trên, ông Zhou Hao, chuyên gia kinh tế cấp cao phụ trách mảng các thị trường mới nổi tại châu Á, thuộc Commerzbank (Singapore), cho rằng Bắc Kinh cần triển khai các chính sách kích cầu nội địa cần thiết nếu muốn hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu kinh tế nước này tăng trưởng 6,5-7% trong năm 2016. Sức tăng GDP của Trung Quốc trong năm ngoái đạt 6,9% - mức thấp nhất trong 25 năm qua.

Báo cáo của NBS cũng chỉ ra rằng Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng Sáu giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2015, giảm mạnh hơn so với mức dự đoán của giới phân tích đưa ra trước đó là 2,5%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục