Ngày 25/5, Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố báo cáo hằng tháng, khẳng định nền kinh tế nước này đang dần phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Báo cáo cho biết “nền kinh tế Nhật Bản đang có những dấu hiệu khởi sắc,” trong bối cảnh "những ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đang suy giảm.”
Trong buổi họp báo công bố báo cáo, một quan chức chính phủ cho biết có sự thay đổi trong cách thức phản ánh tình hình xã hội Nhật Bản, đồng thời chia sẻ rằng “các hoạt động kinh tế và xã hội tiếp tục diễn ra, thậm chí ngay cả khi có dấu hiệu cho thấy dịch COVID-19 quay trở lại.”
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những rủi ro đối với nền kinh tế, trong bối cảnh sự lây lan của dịch COVID-19 tiếp tục gia tăng dẫn đến việc Trung Quốc phải phong tỏa trên diện rộng, trong đó có thành phố Thượng Hải, gây gián đoạn chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, giá nguyên liệu thô cao tăng do cuộc xung đột tại Ukraine cũng là một nguy cơ đối với nền kinh tế Nhật Bản.
[Nợ công dài hạn của Nhật Bản vượt ngưỡng 1 triệu tỷ yen]
Chỉ số tiêu dùng cá nhân trong tháng Năm này đã “thể hiện sự khởi sắc của nền kinh tế.”
Bên cạnh đó, theo thống kê về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ tháng 1-3/2022, chỉ số tiêu dùng cá nhân không thay đổi, thậm chí ngay cả trong bối cảnh sự lây lan của biến thể Omicron tăng 2,5% trong quý trước.
Tiêu dùng cá nhân nhiều khả năng sẽ tiếp tục phục hồi, đặc biệt là khi người dân có thể tự do đi lại sau khi các quy định phòng dịch được dỡ bỏ vào hoàn toàn vào cuối tháng Ba vừa qua.
Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Nhât Bản đã khởi sắc lần đầu tiên trong 5 tháng là tỷ lệ thất nghiệp giảm, nhu cầu tuyển dụng trong các lĩnh vực sản xuất, nhà hàng… ngày càng tăng.
Ngoài ra, kể từ tháng 12/2007, lần đầu tiên Nhật Bản nhận định “giá tiêu dùng đã tăng lên trong thời gian gần đây.” Chỉ số giá tiêu dùng thiết yếu, trừ thực phẩm tươi sống, đã tăng 2,1% trong tháng Tư vừa qua, so với cùng kỳ năm 2021, do giá năng lượng và thực phẩm tăng cao.
Lần đầu tiên sau 25 tháng, Nhật Bản đã thay đổi quan điểm tiêu cực về sự phát triển của nền kinh tế thế giới, song lại nhận định rằng sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc đang “chững lại” do các hạn chế phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt./.