Nền kinh tế Mỹ 'khỏe mạnh', nhiều khả năng Fed giữ nguyên lãi suất

Tính đến ngày 6/12, các thị trường dự đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất cho đến khi ít nhất là tháng 9/2020.

Với "thể trạng" của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tỏ ra khá “khỏe mạnh,” giới quan sát gần như chắc chắn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2019 dự kiến diễn ra vào ngày 10-11/12 tới.

Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ vẫn tồn tại những điểm yếu có thể buộc ngân hàng trung ương này phải hạ lãi suất trở lại vào đầu năm tới.

Giữa lúc kinh tế khu vực Mỹ Latinh và châu Âu đang trì trệ, còn kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu “hạ nhiệt” ở mức đáng lo ngại, số liệu việc làm khởi sắc bất ngờ của Mỹ trong tháng 11/2019 càng cho thấy rõ khả năng phục hồi của thị trường lao động nước này, bất chấp những “cơn gió ngược” từ các căng thẳng thương mại do Tổng thống Donald Trump khởi xướng.

Cùng với đó, hoạt động chi tiêu và niềm tin của người tiêu dùng vẫn rất mạnh. Thị trường nhà đất đã hồi phục. Thất nghiệp vẫn quanh mức thấp kỷ lục, còn hoạt động tuyển dụng vẫn được duy trì.

Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tuy có chậm lại trong quý 3(2,1%), nhưng vẫn tốt hơn kỳ vọng của giới chuyên gia.

Theo chi nhánh Fed tại New York, khả năng kinh tế Mỹ xảy ra suy thoái trong vòng 12 tháng tới cũng đã bắt đầu giảm dù chúng vẫn còn ở mức khá cao, khoảng 30%.

[Fed chưa tính tới chính sách hạ lãi suất xuống mức âm]

Các dấu hiệu về khả năng phục hồi của nền kinh tế quốc gia xác nhận quyết định tạm dừng hạ lãi suất sau ba lần cắt giảm trong năm nay của Fed hồi tháng 10/2019 là hợp lý.

Theo giới quan sát, các nhà hoạch định chính sách hiện có thể chờ đợi để xem nền kinh tế hoạt động ra sao vào đầu năm mới.

Tính đến ngày 6/12, các thị trường dự đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất cho đến khi ít nhất là tháng 9/2020.

Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sẽ đưa ra quyết định chính thức vào lúc 19 giờ ngày 11/12 theo giờ GMT (2 giờ sáng ngày 12/12 theo giờ Việt Nam). Cùng với đó là bản cập nhật dự báo kinh tế hàng quý.

Kể từ sau cuộc họp tháng 10/2019, các thành viên Fed đã nói rõ rằng chính sách tiền tệ của họ đang ở vị trí phù hợp. Tuy nhiên, một sự thay đổi trong triển vọng của nền kinh tế có thể khiến họ cân nhắc điều chỉnh lãi suất trở lại.

Giới chuyên gia cho rằng “sự thay đổi” trong triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tùy thuộc vào diễn biến và tác động của cuộc xung đột thương mại với Trung Quốc.

Nếu Washington và Bắc Kinh ký kết một thỏa thuận “Giai đoạn 1” và tối thiểu là dừng các động thái gây hấn, các doanh nghiệp có thể nhận được sự thúc đẩy mạnh mẽ.

Nhà kinh tế Diane Swonk của công ty tư vấn tài chính Grant Thornton nói rằng một thỏa thuận “ngừng bắn” tiềm năng giữa Mỹ và Trung Quốc dường như đã làm dịu tâm lý của người tiêu dùng và người sử dụng lao động, bên cạnh những hỗ trợ đến từ các biện pháp kích thích của Fed.

Song những “vệt tối” trên bức tranh kinh tế Mỹ vẫn còn tồn tại khá dai dẳng. Lĩnh vực chế tạo đã rơi vào suy thoái, đầu tư kinh doanh sụt giảm, xuất khẩu yếu đi và số liệu tạo việc làm và hoạt động chi tiêu sau khi được điều chỉnh cũng giảm đáng kể.

Các nhà kinh tế cảnh báo rằng áp lực buộc Fed phải tiếp tục cắt giảm lãi suất có thể quay trở lại.

Bà Rubeela Farooqi, nhà kinh tế trưởng về thị trường Mỹ tại công ty tư vấn tài chính High Frequency Economics, dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ có thể giảm xuống dưới 2% vào cuối năm 2019 và vào quý 1/2020.

Bà nói rằng nếu kịch bản đó thực sự xảy ra và đi cùng các hiệu ứng lan tỏa khác, FOMC có thể sẽ phải hạ lãi suất trong quý đầu tiên của năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục