Số lượng việc làm mới được tạo ra nhiều hơn, chỉ số chứng khoán tăng giá lên mức cao kỷ lục, giá bất động sản tăng đều ở các bang, tâm lý của giới chuyên gia lạc quan hơn. Đó là những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đứng trước viễn cảnh khả quan hơn.
Báo cáo công bố ngày 6/6 của Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tháng 5 vừa qua, các khu vực không thuộc lĩnh vực nông nghiệp của nền kinh tế Mỹ đã tạo ra được 217.000 việc làm mới.
Đây là tháng thứ tư liên tiếp nền kinh tế Mỹ tạo ra được trung bình hơn 200.000 việc làm mới/tháng. Số việc làm mới được tạo ra trong tháng 4 đạt mức cao nhất với 282.000 vị trí.
Như vậy, cho tới nay, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra được tổng cộng 8,8 triệu việc làm mới so với 8,7 triệu việc làm bị mất do cuộc khủng hoảng 2007-2009.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tại thời điểm hiện nay vẫn ở mức 6,3%, thấp nhất trong vòng 5 năm rưỡi qua. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý I/2014 là -1% (âm) do ảnh hưởng nặng nề của mùa Đông khắc nghiệt. Tuy nhiên, các chuyên gia dự kiến tăng trưởng GDP trong quý 2 nhiều khả năng đạt trên 3%.
Dấu hiệu khả quan hơn của thị trường lao động là nguyên nhân khiến giới đầu tư lạc quan hơn, đẩy giá các cổ phiếu chủ chốt tại thị trường chứng khoán New York như Dow Jones, Standard & Poor 500 và Nasdaq trong tuần qua tăng khá mạnh, lần lượt là 1%, 1,1% và 1,6%.
Giá bất động sản ở Mỹ, trong đó có giá nhà ở, trong tháng 5 cũng tăng trung bình 8%, riêng tại khu vực Riverside-San Bernardino thuộc bang California tăng tới 18,8% và khu vực Bakersfield, cũng thuộc bang California, tăng 16%.
Kết quả khảo sát công bố ngày 6/6 của Viện kế toán viên công chứng của Mỹ (AICPA) cho thấy đa số giới doanh nghiệp nước này tỏ ra khá lạc quan với viễn cảnh của nền kinh tế.
Ông Jim Blake, một thành viên AICPA, cho rằng kinh tế Mỹ cải thiện có thể là cơ sở để Ngân hàng dự trữ liên bang (Fed) tính tới phương án tăng lãi suất vào năm tới. Lãi suất cơ bản của Mỹ vẫn được duy trì ở mức thấp từ 0% đến 0,25% từ tháng 12/2008 tới nay./.