Nền kinh tế Mỹ có triển vọng vượt qua nguy cơ suy thoái

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ đánh giá nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đủ sức mạnh để tránh rơi vào suy thoái, ngay cả khi lãi suất cao hơn và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Nền kinh tế Mỹ có triển vọng vượt qua nguy cơ suy thoái ảnh 1Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ tại Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ vượt qua nguy cơ suy thoái. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) đánh giá nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đủ sức mạnh để tránh rơi vào suy thoái, ngay cả khi lãi suất cao hơn và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đè nặng lên người tiêu dùng.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến sẽ tăng trưởng 0,4% trong nửa cuối năm nay, trước khi tiến triển đều đặn trong giai đoạn 2024-2025.

Tình trạng lạm phát ở Mỹ được cho là sẽ tiếp tục hạ nhiệt cho đến năm 2025, trong khi chỉ số giá tiêu dùng ước tăng 3,3% trong Quý 4/2023 so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2024, lạm phát sẽ ở mức vừa phải là 2,6% trước khi tiến gần hơn đến mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Ngân hàng Trung ương - Fed) vào cuối năm 2025.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng, nhu cầu tiêu dùng giảm và lãi suất cao hơn sẽ góp phần đẩy tỷ lệ lạm phát xuống mức thấp hơn.

Đến nay, thị trường lao động bền vững và khu vực dịch vụ đã cho phép nền kinh tế Mỹ tiếp tục mở rộng, vì vậy, ngày càng có nhiều nhà kinh tế rút lại dự báo về suy thoái.

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Kinh doanh Quốc gia, tỷ lệ các nhà kinh tế hiện nay cho rằng khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới là 50% hoặc thấp hơn.

Bên cạnh đó, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ dự kiến sẽ giảm nhẹ trong Quý 4 năm nay do các điều kiện cho vay chặt chẽ hơn, lãi suất cao hơn và tiền tiết kiệm liên quan đến đại dịch COVID-19 ít hơn.

CBO dự báo chi tiêu ở Mỹ sẽ tăng 1,1% vào năm 2024.

Đáng chú ý, số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 27/7 cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong Quý 2 năm nay nhờ khả năng phục hồi của thị trường lao động củng cố chi tiêu của người tiêu dùng, trong khi các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào thiết bị, từ đó giúp ngăn chặn suy thoái kinh tế.

So với cùng kỳ năm ngoái, GDP của Mỹ đã tăng 2,4% trong Quý 2, cao hơn mức tăng trưởng 2% của Quý 1 cũng như mức dự báo được các nhà kinh tế đưa ra trước đó là 1,8%.

Ngoài thị trường nhà đất và lĩnh vực sản xuất, phần lớn nền kinh tế Mỹ đang vượt qua được những khó khăn do chính sách tăng lãi suất mạnh của Fed gây ra.

Kể từ cuối năm 2022, các nhà kinh tế đã dự báo về cuộc suy thoái, song với việc áp lực giá cả đang hạ nhiệt, một số chuyên gia cho rằng kịch bản “hạ cánh mềm” đối với nền kinh tế Mỹ mà Fed dự tính là khả thi.

[Kinh tế Mỹ tăng tốc bất chấp dự báo về khả năng suy thoái]

Nền kinh tế Mỹ đang được củng cố nhờ thị trường lao động, hiện có xu hướng tiếp tục thắt chặt.

Theo báo cáo công bố cùng ngày của Bộ Lao động Mỹ, trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của nước này đã giảm 7.000 đơn, xuống mức 221.000 đơn trong tuần tính đến ngày 27/7.

Số đơn xin tiếp tục nhận trợ cấp sau một tuần thất nghiệp đầu tiên, chỉ số đại diện cho tình hình tuyển dụng, cũng giảm 59.000 đơn, xuống còn 1,69 triệu đơn trong tuần tính đến ngày 15/7.

Nền kinh tế Mỹ có triển vọng vượt qua nguy cơ suy thoái ảnh 2Khách hàng mua sắm tại một cửa hàng ở Queens, New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mặc dù có nhiều đợt sa thải nhân công trong lĩnh vực công nghệ và tài chính vào năm 2022 và đầu năm 2023, số lượng đơn xin tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp vẫn ở mức thấp so với tiêu chuẩn lịch sử.

Các công ty đang nỗ lực giữ chân công nhân sau khi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động trong đại dịch COVID-19. Việc làm trong lĩnh vực giải trí và khách sạn vẫn ở dưới mức trước đại dịch.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế vẫn tin rằng cuộc suy thoái đang đến gần, dự báo chi phí đi vay cao hơn cuối cùng sẽ khiến người tiêu dùng gặp khó khăn hơn trong chi tiêu bằng tín dụng.

Các nhà kinh tế cũng lưu ý rằng các ngân hàng đang thắt chặt tín dụng và tiền tiết kiệm tích lũy trong thời kỳ đại dịch tiếp tục cạn kiệt, trong khi tăng trưởng việc làm chậm lại được cho sẽ hạn chế tăng trưởng tiền lương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục