Nền kinh tế Malaysia tăng năm bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu

Sự cải thiện năng lực cạnh tranh của Malaysia trên bảng xếp hạng chủ yếu được hỗ trợ bởi sự phục hồi kinh tế, tăng trưởng đầu tư và những điểm sáng trong ổn định tỷ giá và thị trường việc làm.
Nền kinh tế Malaysia tăng năm bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu ảnh 1Sự cải thiện năng lực cạnh tranh của Malaysia chủ yếu được hỗ trợ bởi sự phục hồi kinh tế, tăng trưởng đầu tư và những điểm sáng trong ổn định tỷ giá hối đoái và thị trường việc làm. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Viện Phát triển Quản lý Quốc tế (IMD) ngày 20/6 công bố báo cáo Xếp hạng Năng lực Cạnh tranh Thế giới năm 2023, trong đó Malaysia đã tăng năm bậc, lên vị trí thứ 27 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới.

Theo báo cáo, sự cải thiện năng lực cạnh tranh của Malaysia trong bảng xếp hạng chủ yếu được hỗ trợ bởi sự phục hồi kinh tế, tăng trưởng đầu tư và những điểm sáng trong ổn định tỷ giá hối đoái và thị trường việc làm. Các lĩnh vực thế mạnh của Malaysia bao gồm giá cả, cơ sở hạ tầng cơ bản và chính sách thuế.

Theo IMD, những thách thức chính đối với Malaysia trong năm 2023 để trở thành một nền kinh tế cạnh tranh hơn, bao gồm phát triển năng lực của lực lượng lao động (sẵn sàng để cung ứng cho thị trường), kế hoạch ưu tiên lĩnh vực kỹ thuật, cải cách quy định để hỗ trợ môi trường kinh doanh ở cấp quốc gia và địa phương, và theo đuổi phát triển bền vững.

[Malaysia đối mặt với nguy cơ lạm phát do giá lương thực tăng cao]

Báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh 2023 do Trung tâm năng lực cạnh tranh thế giới của Viện Phát triển Quản lý Quốc tế thực hiện hàng năm, với quy mô khảo sát được thực hiện tại 64 nền kinh tế toàn cầu.

Thặng dư thương mại của Malaysia tính đến tháng 5/2023 đã tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước, lên 15,42 tỷ ringgit (3,33 tỷ USD), đánh dấu tháng thứ 37 liên tiếp tăng trưởng hai con số kể từ tháng 5/2020.

Cùng ngày, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) công bố báo cáo cho biết xuất khẩu trong tháng 5/2023 có dấu hiệu phục hồi.

Kim ngạch xuất khẩu từ Malaysia sang các đối tác thương mại lớn, đặc biệt là Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản ghi nhận sự mở rộng. Tuy nhiên, trong cùng thời điểm, nhập khẩu đã giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 104,19 tỷ ringgit (22,48 tỷ USD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục