Nền Kinh tế Kỹ thuật Số ASEAN dự kiến gia tăng 2.000 tỷ USD vào năm 2030

Hiệp định khung Kinh tế Kỹ thuật Số ASEAN (DEFA) sẽ thúc đẩy sự năng động và khả năng cạnh tranh của khu vực và dự kiến gia tăng 2.000 tỷ USD cho nền Kinh tế Kỹ thuật Số ASEAN vào năm 2030.

Nền Kinh tế Kỹ thuật Số ASEAN dự kiến gia tăng 2.000 tỷ USD vào năm 2030

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Đối thoại Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) lần thứ 10 đã được tổ chức vào ngày 30/11 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, làm nền tảng để phổ biến Hiệp định khung Kinh tế Kỹ thuật Số ASEAN (DEFA) - công cụ ràng buộc pháp lý cấp khu vực đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực này.

Sự kiện do Ban Thư ký ASEAN, Sáng kiến “Australia vì tương lai ASEAN - Kinh tế và Kết nối (Aus4ASEAN Futures - ECON) và Viện nghiên cứu Tech for Good phối hợp tổ chức đã thu hút hơn 550 người tham dự, bao gồm lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tổ chức phi lợi nhuận và cơ quan chính phủ.

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế Satvinder Singh nhấn mạnh DEFA tiên tiến và hướng tới tương lai sẽ thúc đẩy sự năng động và khả năng cạnh tranh của khu vực và dự kiến gia tăng 2.000 tỷ USD cho nền Kinh tế Kỹ thuật Số ASEAN vào năm 2030.

Ông Singh cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc DEFA phù hợp với tương lai và cập nhật với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế kỹ thuật số; đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại bao trùm và tập trung vào giá trị, thu hút sự tham gia của lĩnh vực công và tư.

Đại sứ Australia tại ASEAN Will Nankervis cho rằng ASEAN có thể đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cách thức phát triển, sử dụng và quản lý công nghệ kỹ thuật số, đồng thời cho hay Canberra đã hỗ trợ một nghiên cứu về DEFA, đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán về hiệp định này.

Ông Nankervis cũng nhắc lại sự hỗ trợ thực chất và có ý nghĩa của Australia đối với các tham vọng kinh tế kỹ thuật số ASEAN như sáng kiến Aus4ASEAN, sáng kiến Tiêu chuẩn thương mại kỹ thuật số ASEAN-Australia và Cơ chế phát triển thương mại khu vực (RT4D).

Về phần mình, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Tech for Good, Tiến sỹ Ming Tan khẳng định rằng DEFA mang lại cơ hội duy nhất để tạo ra quỹ đạo kỹ thuật số cho ASEAN theo định hướng khu vực, đa văn hóa và phù hợp với mục đích địa phương nhằm tạo ra một ASEAN bao trùm, đổi mới và thân thiện với đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục