Các dự báo tăng trưởng cho nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Hàn Quốc trong năm 2024 đã bị điều chỉnh giảm, bất chấp xuất khẩu chất bán dẫn tăng mạnh.
Sự điều chỉnh này phản ánh sự phục hồi chậm hơn dự kiến của nhu cầu trong nước trong bối cảnh lãi suất cao và những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19.
Đầu năm 2024, cả Chính phủ Hàn Quốc và các tổ chức tài chính quốc tế lớn đều dự báo mức tăng trưởng kinh tế khoảng 2,4-2,6% cho nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, với động lực xuất khẩu mạnh mẽ nhờ sự phục hồi của ngành công nghiệp chip và nhu cầu nước ngoài mạnh mẽ.
Dự báo này đã đánh dấu một sự tăng tốc đáng kể so với mức tăng trưởng 1,4% được ghi nhận vào năm 2023, mức thấp nhất kể từ khi sụt giảm 0,7% vào năm 2020 trong bối cảnh đại dịch.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ đầu năm đến nay, dự báo tăng trưởng kinh tế đã được điều chỉnh giảm xuống còn khoảng 2,2-2,3%, cho thấy nhu cầu trong nước trì trệ, mà vốn được kỳ vọng sẽ cải thiện vào cuối năm.
Trong một cuộc họp báo sau cuộc họp thường niên với các quan chức Hàn Quốc vào tháng 11, ông Rahul Anand, trưởng nhóm của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc dự kiến đạt 2,2% trong năm 2024 nhờ xuất khẩu chất bán dẫn tăng mạnh, song bị lấn át bởi nhu cầu trong nước yếu kém.
Hàn Quốc, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu để tăng trưởng, đã trải qua sự phục hồi mạnh mẽ về xuất khẩu sau hai năm thâm hụt thương mại do nhu cầu toàn cầu đối với chất bán dẫn suy yếu.
Trong tháng 11/2024, xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng trong tháng thứ 14 liên tiếp, cùng với thặng dư thương mại 18 tháng liên tiếp nhờ sự phục hồi của ngành bán dẫn.
Ông Cho Sang-hyun, nhà phân tích tại Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA), cho biết tốc độ tăng trưởng cao đã được duy trì kể từ khi xuất khẩu bắt đầu phục hồi vào quý 4/2023. Ông dự báo đà xuất khẩu có khả năng sẽ tiếp tục được duy trì trong một thời gian.
Dữ liệu của KITA cho thấy hoạt động xuất khẩu chiếm 98,6% tăng trưởng kinh tế của đất nước tính đến quý 3/2024, nhấn mạnh sự phụ thuộc lớn của nền kinh tế vào xuất khẩu.
Trong năm 2024, áp lực lạm phát cũng đã được kiểm soát tương đối nhờ giá lương thực trong nước ổn định và giá năng lượng toàn cầu giảm, sau nhiều năm thách thức lạm phát đáng kể trong kỷ nguyên hậu đại dịch.
Giá tiêu dùng, một thước đo quan trọng của lạm phát, đã tăng 5,1% so với năm trước trong năm 2022, đánh dấu mức tăng cao nhất trong nhiều thập kỷ. Con số này đã tăng 3,6% vào năm 2023.
Trong tháng 11/2024, giá tiêu dùng tăng thấp hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) trong tháng thứ ba liên tiếp. BoK hiện dự báo tỷ lệ lạm phát hàng năm là 2,3% cho năm 2024.
Mặc dù xuất khẩu mạnh mẽ và các dấu hiệu ổn định giá tiêu dùng, song nhu cầu trong nước đã không phục hồi nhanh như dự kiến.
Trong tháng 11/2024, báo cáo kinh tế hàng tháng mới nhất của Bộ Tài chính, hay còn gọi là "Sách Xanh," đã loại bỏ cụm từ "dấu hiệu phục hồi nhu cầu trong nước" lần đầu tiên sau bảy tháng.
Viện Phát triển Hàn Quốc, một tổ chức tư vấn thuộc nhà nước, cũng đã đưa ra những cảnh báo lo ngại tương tự trong đánh giá kinh tế của mình kể từ cuối năm ngoái, đồng thời lưu ý rằng sự suy giảm tiêu dùng bán lẻ tiếp tục hạn chế sự phục hồi kinh tế chung.
Ông Kim Jeong-sik, một giáo sư kinh tế từ Đại học Yonsei, cho biết khi tiêu dùng trong nước giảm, các doanh nghiệp trì hoãn đầu tư mới, dẫn đến mất việc làm. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn của việc tiêu dùng và đầu tư suy giảm.
Các chủ doanh nghiệp nhỏ ở Hàn Quốc vẫn đang chịu áp lực đáng kể, khi tỷ lệ nợ quá hạn gia tăng được cho là do những tác động kinh tế kéo dài của đại dịch COVID-19.
Trong một động thái chính sách được chờ đợi từ lâu, Ủy ban chính sách tiền tệ của BoK đã cắt giảm lãi suất cơ bản trong tháng 10/2024, đánh dấu lần giảm đầu tiên sau 38 tháng. Tiếp theo đó là một đợt cắt giảm lãi suất trong tháng 11/2024.
Trong năm 2024, thâm hụt tài khóa của đất nước cũng tiếp tục mở rộng do doanh thu thuế giảm, chủ yếu do thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn khi các doanh nghiệp có mức thu nhập kém trong năm trước.
Ông Sumio Ishikawa, nhà kinh tế trưởng tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), cho biết Hàn Quốc cần có những nỗ lực liên tục để đảm bảo tính bền vững tài chính.
Ngoài ra, điều quan trọng là Hàn Quốc phải tăng cường kỷ luật tài khóa và thực hiện các biện pháp để tăng doanh thu và tái cơ cấu chi tiêu./.
Các dự án kinh tế của Hàn Quốc bị đe dọa do việc luận tội Tổng thống
Việc vắng mặt về mặt chính trị của Tổng thống Yoon Suk Yeol có thể gây nguy hiểm cho các sáng kiến quan trọng, bao gồm dự án phát triển mỏ khí đốt trên biển, các nhà máy điện hạt nhân trong nước...