Trong bối cảnh kinh tế thế giới và Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục có nhiều biến động, nền kinh tế Đức vẫn tiếp tục giữ được ổn định từ đầu năm tới nay và dự kiến sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới.
Sự thành công này chủ yếu do Đức có nguồn nhân lực chất lượng cao và hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhiều lĩnh vực hàng đầu thế giới và có sức cạnh tranh cao.
Trong báo cáo mới nhất, chính phủ Đức dự kiến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay đạt mức 0,5% và 1,7% trong năm tới, tăng 0,1% so với dự báo hồi tháng 4/2013.
Nền kinh tế Đức sẽ tiếp tục khởi sắc, tạo thêm nhiều việc làm mới và mức chi tiêu tiêu dùng sẽ tăng 1,2% trong năm tới so với mức dự đoán 0,8% trong năm nay.
Xuất khẩu của Đức cũng được dự báo sẽ tăng 3,8% do nhu cầu lớn ở nước ngoài về hàng hoá có chất lượng của Đức.
Theo Cục Thống kê liên bang, doanh số bán lẻ của Đức trong tháng 9/2013 đã giảm nhẹ (0,4%) trong tháng thứ hai liên tiếp, song lại tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Thặng dư thương mại của nước này trong tháng 8/2013 cũng tăng lên 15,6 tỷ euro từ mức 15 tỷ euro đã được điều chỉnh trong tháng Bảy, trong khi xuất khẩu tăng 1% và nhập khẩu giảm 0,4%.
Bộ Tài chính Mỹ mới đây đã lên tiếng chỉ trích việc Đức đạt thặng dư thương mại cao, khi cho rằng việc này gây nguy hại cho nền kinh tế Khu vực Eurozone và bất ổn đối với kinh tế thế giới.
Bộ này cũng đồng thời kêu gọi Đức chú trọng đẩy mạnh nhu cầu trong nước thay vì chỉ quan tâm tới xuất khẩu.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Đức cho rằng việc mở rộng xuất khẩu là tín hiệu phản ánh tính cạnh tranh cao của kinh tế Đức cũng như nhu cầu cao của thế giới đối với các sản phẩm chất lượng của Đức.
Tuy nhiên, xuất khẩu của Đức giai đoạn từ tháng 1-8/2013 lại giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó riêng xuất khẩu tới các nước Eurozone - khu vực chiếm tới 1/3 sản lượng xuất khẩu của Đức, giảm 3,1%.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu này được kỳ vọng sẽ giúp vực dậy nền kinh tế ở 17 nước Eurozone thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công.
Tuy nhiên, trong thời gian tới chính sách kinh tế của Đức có thể sẽ có những điều chỉnh trong bối cảnh liên đảng bảo thủ của bà Angela Merkel lập đại liên minh cầm quyền với đảng trung tả SPD.
Về thị trường việc làm, lần đầu tiên trong lịch sử nước, số việc làm trong tháng 9/2013 ở nước này vượt con số 42 triệu, chủ yếu do sự khởi sắc trên thị trưởng tuyển dụng trong mùa Thu này.
Theo Cục Thống kê liên bang, số việc làm ở Đức trong tháng 9/2013 đã đạt mức cao kỷ lục, tăng 250.000 việc làm so với tháng trước đó và lần đầu tiên vượt ngưỡng 42 triệu việc làm kể từ khi nước Đức tái thống nhất.
Với triển vọng sáng sủa của nền kinh tế, số việc làm ở Đức trong năm 2014 dự kiến lần đầu tiên sẽ đạt mức trung bình 42 triệu việc làm, tăng so với mức trung bình 41,8 triệu việc làm trong năm nay.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) cũng lạc quan cho rằng tăng trưởng kinh tế của Đức trong năm tới sẽ đạt 1,7% so với mức 0,5% trong năm nay.