Nền kinh tế Đức có thể rơi vào cuộc khủng hoảng ngân sách

Tòa án Tối cao ra phán quyết cho rằng Chính phủ Thủ tướng Scholz đã vi phạm các quy định nợ công khi chuyển khoản ngân sách dành cho hỗ trợ đại dịch COVID-19 sang quỹ dành cho chống Biến đổi Khí hậu.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Đức sẽ tìm cách tiếp tục trì hoãn áp dụng biện pháp giới hạn nợ công theo quy định của Hiến pháp sau phán quyết bất ngờ của tòa án làm đảo lộn kế hoạch chi tiêu của chính phủ và có thể đẩy nền kinh tế số 1 của Liên minh châu Âu (EU) vào cuộc khủng hoảng ngân sách.

Nếu được thực hiện, đây sẽ là năm thứ 4 liên tiếp Chính phủ Đức phải hoãn thực thi biện pháp này.

Chia sẻ trên truyền thông xã hội, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết chính phủ liên bang sẽ trình ngân sách bổ sung để đảm bảo về mặt hiến pháp cho các khoản chi tiêu công trong năm 2023.

Theo ông Lindner, cùng với kế hoạch tài khóa mới, chính phủ sẽ đưa ra nghị quyết trước quốc hội để tuyên bố "tình trạng khẩn cấp đặc biệt," tạo cơ sở pháp lý để đình chỉ quy định nợ.

Tuần trước, Tòa án Tối cao Đức ra phán quyết cho rằng chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã vi phạm các quy định nợ công khi chuyển khoản ngân sách dành cho hỗ trợ đại dịch COVID-19 sang quỹ dành cho chống Biến đổi Khí hậu.

Phán quyết này khiến Chính phủ Đức thiếu hụt 60 tỷ euro (5 tỷ USD) ngân sách và khiến nhiều khoản đầu tư quan trọng trở nên bấp bênh.

Chính phủ Đức đã hoãn hầu hết các dự án nhận hỗ trợ tài chính từ ngân sách dành cho Biến đổi Khí hậu và tạm "đóng băng" nhiều khoản chi tiêu trong phần còn lại của năm 2023.

Biện pháp "hãm nợ" được đưa vào Hiến pháp năm 2009 dưới thời Thủ tướng Angela Merken, nhằm khống chế nợ công mới tại Đức ở mức 0,35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Biện pháp này được miễn thực thi từ 2020-2022 để đối phó với đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng và dự kiến được áp dụng trở lại từ năm 2023.

Việc phải tiếp tục trì hoãn áp dụng trở lại quy định trần nợ công có thể là "liều thuốc đắng" dành cho liên minh cầm quyền giữa các đảng Dân chủ xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do (FDP) từng cam kết áp dụng trở lại biện pháp trong năm 2023.

Ông Lindner cho biết trước mắt sẽ đưa ra ngân sách mới cho năm 2023 vào tuần tới để tháo gỡ bế tắc hiện nay trước khi tiếp tục bàn về ngân sách cho các năm tiếp theo.

Ông Lindner khẳng định biện pháp này không nhằm tạo thêm nợ mới mà để đảm bảo cơ sở pháp lý cho các quỹ đã được sử dụng cho quản lý khủng hoảng.

Theo Báo Spiegel, ngân sách bổ sung có thể sẽ lên đến 40 tỷ euro, đưa tổng thâm hụt ngân sách Đức năm 2035 lên 85 tỷ euro, trong đó có cả những khoản ngân sách đã chi trả để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp khắc phục khó khăn do giá năng lượng tăng vọt.

Trong tuần này, Chính phủ Đức cũng đã hoãn cuộc bỏ phiếu về ngân sách năm tới để dành thời gian đánh giá phán quyết mới của tòa. Theo kế hoạch, Quốc hội Đức sẽ bỏ phiếu về vấn đề ngân sách trong tuần tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục