Nền kinh tế Ấn Độ đã vượt mốc 2.000 tỷ USD trong năm 2014

Báo cáo vừa công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ đã vượt mốc 2.000 tỷ USD trong năm 2014, đạt 2.060 tỷ USD.
Ấn Độ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. (Nguồn: dupress.com)

Báo cáo vừa công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ đã vượt mốc 2.000 tỷ USD trong năm 2014, đạt 2.060 tỷ USD.

Trong 60 năm (kể từ khi độc lập năm 1947 đến năm 2007), Ấn Độ mới đạt được mốc 1.000 tỷ USD, song chỉ trong bảy năm tiếp theo (2007-2014), nền kinh tế này đã tăng thêm giá trị GDP là 1.000 tỷ USD.

Cũng theo số liệu của WB, thu nhập bình quân theo đầu người của Ấn Độ đã tăng lên 1.610 USD trong năm 2014, so với con số 1.560 USD năm 2013.

Theo phân tích của báo The Hindu, sẽ mất khoảng hơn một thập niên để Ấn Độ có thể tăng từ bậc “thu nhập trung bình thấp” lên mức “thu nhập trung bình cao.”

Nhịp độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong năm 2014 đạt 7,4%, trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Mặc dù tổng thu nhập quốc dân tính theo đầu người (GNI) tăng, song Ấn Độ vẫn nằm trong nhóm “thu nhập trung bình thấp” (được xác định trong phạm vi từ 1.046 USD-4.125 USD).

Dựa trên các số liệu của WB, báo The Hindu phân tích tỷ lệ tăng trưởng GNI theo đầu người tại Ấn Độ trong thập niên qua là 8,9% và như vậy đến năm 2026, Ấn Độ mới có thể trở thành nước có “thu nhập bình quân cao” (trong phạm vi 4.126 USD-12.735 USD) - tương đương với mức của Trung Quốc hiện nay.

Báo trên tính toán, với GNI bình quân đạt 7.380 USD hiện nay và tỷ lệ tăng GNI trung bình hàng năm 15,6%, vào năm 2018, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế có “thu nhập cao” như Mỹ, Anh, Đức và Nhật Bản. Trong khi với nhịp độ tăng trưởng như vậy, đến năm 2039 Ấn Độ mới đạt được mức đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục