Nên giữ quy định hiện hành về thẩm quyền của Tòa án nhân dân

Đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp cho rằng nên giữ nguyên các quy định của Luật tố tụng hành chính hiện hành về thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính của Tòa án nhân dân.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước phát biểu ý kiến. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Sáng 12/3, tiếp tục Phiên họp thứ 36, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi).

Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày cho thấy dự thảo Luật có nhiều quy định mới, cụ thể hóa nhiều quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; nhìn chung, dự thảo luật bảo đảm sự thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Đối với những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau, trong đó có những quy định về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân, đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp - cơ quan thẩm tra dự án Luật tán thành với loại ý kiến cho rằng nên giữ nguyên các quy định của Luật tố tụng hành chính hiện hành về thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính của Tòa án nhân dân.

Ủy ban Tư pháp tán thành với việc loại trừ việc khởi kiện quyết định xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân ra Tòa hành chính. Bởi vì, nếu giao thẩm quyền cho Tòa án nhân dân giải quyết khiếu kiện quyết định xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính của Tòa án nhân dân , thì sẽ dẫn đến tình trạng Tòa án vừa ra quyết định xử lý hành chính vừa tiến hành xét xử vụ án hành chính đối với chính quyết định của Tòa án đó.

Về phân định thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp không tán thành quy định mở rộng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của ủy ban nhân dân cấp huyện, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện như dự thảo Luật. Vì quy định này không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp đã nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về mở rộng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân cấp huyện.

Đồng thời, quy định như vậy không đề cao được vai trò, bản lĩnh của đội ngũ Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trong giải quyết sơ thẩm án hành chính.

Cho ý kiến về dự thảo luật, cơ bản các ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với nội dung của dự thảo luật và cho rằng, dự thảo luật có nhiều quy định mới, đã cụ thể hóa được nhiều quy định của Hiến pháp 2013. Các ý kiến cũng tập trung thảo luận về thẩm quyền của tòa án, về thủ tục rút gọn và thủ tục giám đốc thẩm.

Đánh giá cao sự chặt chẽ của cơ quan trong việc thẩm tra luật, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng cơ quan thẩm tra đã gắn kết chặt chẽ với Hiến pháp và các văn bản luật có liên quan, Luật Tổ chức tòa án nhân dân và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân.

Về khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước thể hiện sự đồng tình với quan điểm thứ nhất của cơ quan soạn thảo.

Trong trường hợp Tòa án đã ra quyết định xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng rồi lại giao cho Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính khi có đơn khởi kiện đối với loại quyết định này là không khả thi; không bảo đảm tính khách quan vì quyết định xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án là quyết định đặc thù, được ban hành trong quá trình Tòa án giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Thể hiện sự đồng tình với quy định về phân định thẩm quyền của tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố như dự thảo luật vì theo ông Ksor Phước, thiết chế của Nhà nước có cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, nên việc xét xử phải trên một cấp đối với các quyết định hành chính cấp dưới để vừa không bị ràng buộc nhiều vừa bảo đảm tính khách quan trong xét xử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục