Trong cái lạnh se sắt, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã dành cho phóng viên Vietnam+ một cuộc trao đổi cởi mở về Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam xưa và nay.
- Thưa ông Nguyễn Vinh Phúc, có vẻ như ngày nay, Tết cổ truyền ở Việt Nam đơn giản hơn xưa dù đời sống xã hội đã có chuyển biến, trong khi người xưa lại có câu “phú quý sinh lễ nghĩa.” Là nhà Hà Nội học, ông có nhận gì về chuyện này?
Nhà Hà Nội học Nguyễn vinh Phúc: Thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, người ta lao vào chuẩn bị Tết từ ngày rằm tháng Chạp. Các bà, các cô lo chuyện sắm gạo nếp, đậu xanh, lo chia phần lợn. Lợn nuôi cả năm đến Tết mổ ra mỗi nhà vài cân…
Tết ngày nay đơn giản hơn nhiều so với Tết ngày xưa. Người ta có xu hướng đem tiền đi mua đồ Tết chứ ít nhà tự tay làm nữa. Bản thân tôi cũng theo xu hướng của thời đại, bánh chưng và giò đều đi mua cả.
Một cái nữa thấy được là ngày nay, ở Hà Nội người ta ít tụ họp ăn uống ở nhà nhau so với trước kia. Gia đình tôi thì vẫn giữ được không khí xum họp đầu năm. Tôi nghĩ đó cũng là nét đẹp truyền thống.
- Đó là chuyện “ăn Tết,” còn chuyện “mặc Tết,” bây giờ dường như người ta cũng ít chú ý đến, chứ không như ngày xưa, theo ông có phải vậy?
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: Thái độ lo quần áo mặc Tết của người xưa rất thiêng liêng. Họ còn lo quần áo thật đẹp trong điều kiện của mỗi nhà. Nhà trung lưu thì may áo the, áo nương, nhà ít tiền hơn thì cũng có cái áo nâu mới, váy đũi, còn nhà giầu thì may váy lĩnh. Nếu người lớn không lo được cho mình thì vẫn phải lo cho con để đứa trẻ nào cũng có manh áo mới.
Còn ngày nay, chúng ta đều thấy quần áo mới thành chuyện mua sắm thường ngày.
- Quả đúng như vậy, nhưng khi xã hội phát triển, người ta mặc đẹp hơn thì lại xuất hiện một tình trạng nhiều bạn trẻ đến chùa với những trang phục hiện đại và “thoải mái.” Đây cũng là chuyện đáng buồn...
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: Trước đây, những người đi lễ chùa họ đều thành tâm và có tín ngưỡng. Một số bạn trẻ ngày nay vẫn giữ cái thành tâm đó.
Cũng không ít người đến chùa chỉ với ý thức du lịch, xem người ta lễ chứ không thành tâm. Vì lẽ đó, họ không theo sự ràng buộc của các quy phạm đã hình thành từ xưa trong ăn mặc và lời nói.
Tôi nghĩ rằng, dù xã hội có hiện đại đến đâu thì đã vào đền, chùa cũng cần phải ăn mặc kín đáo và nghiêm túc. Như ở Thái Lan chẳng hạn, ra đường người ta ăn mặc hết sức tự do nhưng vào chùa vẫn phải mặc kín đáo và họ có cả dịch vụ cho thuê quần áo vào chùa ở Bangkok.
- Ông có hòa vào dòng người đi lễ chùa dịp đầu năm không, thưa ông?
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: Tôi là một nhà nghiên cứu nên quen nhiều đền chùa. Trước kia, tôi hay đi dự lễ mở cửa ở nhiều đền, chùa vào dịp Tết. Những năm gần đây yếu hơn nên chỉ đến được chùa Trấn Quốc, chùa Lý Quốc Sư và chùa Vua.
Cảm giác đi lễ đầu năm rất đặc biệt. Chốn linh thiêng làm tâm hồn mình thanh thản, không chỉ vậy, tại đó mình còn được sống trong không khí đông vui, ấm áp.
- Không chỉ đi lễ chùa đầu năm, mà ngay từ đêm Ba mươi Tết, người Hà Nội có tục đi đón Giao thừa ở Hồ Gươm. Ông có hào hứng với việc này?
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: Hai năm trở lại đây, do sức khỏe không còn tốt nên tôi chỉ ở nhà xem chương trình Tết được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.
Trước đây, năm nào tôi cũng ra Hồ Gươm để đón Giao thừa. Đến đó, mình vừa tận hưởng không khí đầu năm thiêng liêng, vui lây cái vui của mọi người lại được quan sát sự thay đổi của Hà Nội sau mỗi năm. Tôi nghĩ, nếu có sức khỏe, mọi người nên cảm nhận không khí vui chung ngoài cánh cửa gia đình.
- Những hoạt động Tết đều được người dân tham gia đông đảo chứng tỏ họ vẫn hồ hởi với Tết, vậy mà lại có một bộ phận giới trẻ cho rằng, chúng ta có thể bỏ Tết Nguyên đán để chỉ đón tết Dương lịch, ông nghĩ sao về ý kiến này?
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: Cách đây hai, ba chục năm, cũng có một nhà khí tượng học nổi tiếng ở nước ta đề xuất nên bỏ Tết ta, chỉ lấy Tết Tây cho phù hợp với thời tiết, mùa màng của bà con. Tuy nhiên, ý kiến này đã vấp phải sự phải đối kịch liệt.
Tết cổ truyền đã tồn tại hàng nghìn năm nay ở Việt Nam nên nó rất thiêng liêng. Vì vậy, chúng ta không nên và cũng không thể bỏ nó. Tết Nguyên đán với sự thiêng liêng của nó còn là dịp hun đúc niềm hy vọng về hạnh phúc, tình yêu thương, sự sung túc. Lẽ nào lại bỏ cơ hội hy vọng quý giá này của tất cả chúng ta!
- Xin cảm ơn ông!
- Thưa ông Nguyễn Vinh Phúc, có vẻ như ngày nay, Tết cổ truyền ở Việt Nam đơn giản hơn xưa dù đời sống xã hội đã có chuyển biến, trong khi người xưa lại có câu “phú quý sinh lễ nghĩa.” Là nhà Hà Nội học, ông có nhận gì về chuyện này?
Nhà Hà Nội học Nguyễn vinh Phúc: Thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, người ta lao vào chuẩn bị Tết từ ngày rằm tháng Chạp. Các bà, các cô lo chuyện sắm gạo nếp, đậu xanh, lo chia phần lợn. Lợn nuôi cả năm đến Tết mổ ra mỗi nhà vài cân…
Tết ngày nay đơn giản hơn nhiều so với Tết ngày xưa. Người ta có xu hướng đem tiền đi mua đồ Tết chứ ít nhà tự tay làm nữa. Bản thân tôi cũng theo xu hướng của thời đại, bánh chưng và giò đều đi mua cả.
Một cái nữa thấy được là ngày nay, ở Hà Nội người ta ít tụ họp ăn uống ở nhà nhau so với trước kia. Gia đình tôi thì vẫn giữ được không khí xum họp đầu năm. Tôi nghĩ đó cũng là nét đẹp truyền thống.
- Đó là chuyện “ăn Tết,” còn chuyện “mặc Tết,” bây giờ dường như người ta cũng ít chú ý đến, chứ không như ngày xưa, theo ông có phải vậy?
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: Thái độ lo quần áo mặc Tết của người xưa rất thiêng liêng. Họ còn lo quần áo thật đẹp trong điều kiện của mỗi nhà. Nhà trung lưu thì may áo the, áo nương, nhà ít tiền hơn thì cũng có cái áo nâu mới, váy đũi, còn nhà giầu thì may váy lĩnh. Nếu người lớn không lo được cho mình thì vẫn phải lo cho con để đứa trẻ nào cũng có manh áo mới.
Còn ngày nay, chúng ta đều thấy quần áo mới thành chuyện mua sắm thường ngày.
- Quả đúng như vậy, nhưng khi xã hội phát triển, người ta mặc đẹp hơn thì lại xuất hiện một tình trạng nhiều bạn trẻ đến chùa với những trang phục hiện đại và “thoải mái.” Đây cũng là chuyện đáng buồn...
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: Trước đây, những người đi lễ chùa họ đều thành tâm và có tín ngưỡng. Một số bạn trẻ ngày nay vẫn giữ cái thành tâm đó.
Cũng không ít người đến chùa chỉ với ý thức du lịch, xem người ta lễ chứ không thành tâm. Vì lẽ đó, họ không theo sự ràng buộc của các quy phạm đã hình thành từ xưa trong ăn mặc và lời nói.
Tôi nghĩ rằng, dù xã hội có hiện đại đến đâu thì đã vào đền, chùa cũng cần phải ăn mặc kín đáo và nghiêm túc. Như ở Thái Lan chẳng hạn, ra đường người ta ăn mặc hết sức tự do nhưng vào chùa vẫn phải mặc kín đáo và họ có cả dịch vụ cho thuê quần áo vào chùa ở Bangkok.
- Ông có hòa vào dòng người đi lễ chùa dịp đầu năm không, thưa ông?
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: Tôi là một nhà nghiên cứu nên quen nhiều đền chùa. Trước kia, tôi hay đi dự lễ mở cửa ở nhiều đền, chùa vào dịp Tết. Những năm gần đây yếu hơn nên chỉ đến được chùa Trấn Quốc, chùa Lý Quốc Sư và chùa Vua.
Cảm giác đi lễ đầu năm rất đặc biệt. Chốn linh thiêng làm tâm hồn mình thanh thản, không chỉ vậy, tại đó mình còn được sống trong không khí đông vui, ấm áp.
- Không chỉ đi lễ chùa đầu năm, mà ngay từ đêm Ba mươi Tết, người Hà Nội có tục đi đón Giao thừa ở Hồ Gươm. Ông có hào hứng với việc này?
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: Hai năm trở lại đây, do sức khỏe không còn tốt nên tôi chỉ ở nhà xem chương trình Tết được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.
Trước đây, năm nào tôi cũng ra Hồ Gươm để đón Giao thừa. Đến đó, mình vừa tận hưởng không khí đầu năm thiêng liêng, vui lây cái vui của mọi người lại được quan sát sự thay đổi của Hà Nội sau mỗi năm. Tôi nghĩ, nếu có sức khỏe, mọi người nên cảm nhận không khí vui chung ngoài cánh cửa gia đình.
- Những hoạt động Tết đều được người dân tham gia đông đảo chứng tỏ họ vẫn hồ hởi với Tết, vậy mà lại có một bộ phận giới trẻ cho rằng, chúng ta có thể bỏ Tết Nguyên đán để chỉ đón tết Dương lịch, ông nghĩ sao về ý kiến này?
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: Cách đây hai, ba chục năm, cũng có một nhà khí tượng học nổi tiếng ở nước ta đề xuất nên bỏ Tết ta, chỉ lấy Tết Tây cho phù hợp với thời tiết, mùa màng của bà con. Tuy nhiên, ý kiến này đã vấp phải sự phải đối kịch liệt.
Tết cổ truyền đã tồn tại hàng nghìn năm nay ở Việt Nam nên nó rất thiêng liêng. Vì vậy, chúng ta không nên và cũng không thể bỏ nó. Tết Nguyên đán với sự thiêng liêng của nó còn là dịp hun đúc niềm hy vọng về hạnh phúc, tình yêu thương, sự sung túc. Lẽ nào lại bỏ cơ hội hy vọng quý giá này của tất cả chúng ta!
- Xin cảm ơn ông!
Thiên Linh (Vietnam+)