Ngày hôm nay Nelson Mandela đã được người ta tôn thờ tới mức họ dễ quên rằng trong vài thập kỷ, ông bị nhiều chính quyền nước ngoài xem là khủng bố. Người hùng chống chủ nghĩa apartheid đã nằm trong danh sách theo dõi khủng bố của Mỹ cho tới năm 2008 và Bà đầm thép Margret Thatcher từng mô tả đảng Đại hội Dân tộc Phi của ông là "tổ chức khủng bố điển hình." Hình ảnh đó của Mandela nay đã thay đổi hoàn toàn, như bằng chứng cho thấy các thành tựu của ông. Nhưng việc này diễn ra còn nhờ một buổi hòa nhạc tổ chức ở London cách đây 25 năm. Với nhà tổ chức Tony Hollingsworth, buổi hòa nhạc trong ngày 11/6/1988 ở Sân vận động Wembley không có liên quan nhiều tới sinh nhật thứ 70 của Mandela, vốn được lấy làm lý do để tổ chức sự kiện. Thay vì thế, ông tổ chức sự kiện để xóa bỏ từ khủng bố khỏi tên Mandela và đảm bảo ông được tự do. "Anh không thể ra tù khi vẫn bị xem là khủng bố. Nhưng anh có thể ra tù với tư cách một nhà lãnh đạo da đen" - ông nói với AFP trong chuyến thăm Johannesburg. Hollingsworth, giờ 55 tuổi, đã khởi xướng việc tổ chức một buổi hòa nhạc có nhiều sao tham dự để biến Mandela từ kẻ đứng ngoài vòng pháp luật thành biểu tượng trong tâm trí mọi người và qua đó gây sức ép để các chính quyền có quan điểm phù hợp hơn. Ông đã tiếp cận với Tổng giám mục Trevor Huddleston, Chủ tịch Phong trào chống Apartheid Anh để bàn về kế hoạch. "Tôi nói với Trevor rằng Đại hội Dân tộc Phi và phong trào chống apartheid đã vấp phải một bức tường kính. Họ không thể tiến xa hơn được nữa. Mọi thứ các anh làm đều là "chống". Anh biểu tình ở trên phố, nhưng chuyện sẽ chỉ dừng lại trong không gian đó. Nhiều người sẽ đồng tình với anh, nhưng anh không có hấp lực với họ. Mandela và phong trào phải được xem như thứ gì đó tích cực, đáng tin, thứ mà anh muốn ở cùng trong phòng khách của mình" - ông thổ lộ. Trong khi Hollingsworth xử lý vấn đề các nghệ sĩ tham gia, Mike Terry, lãnh đạo phong trào ở London, chịu trách nhiệm xử lý với ANC và những kẻ còn nghi ngờ phong trào chống apartheid. Và có nhiều người khác, kể cả Mandela, đã chất vấn vài lần rằng cuộc đấu tranh không chỉ vì ông. Nhiều người nói rằng nên tiếp tục hướng tâm điểm vào hoạt động chấm vận chống chính quyền apartheid. Cuối cùng Terry đã thuyết phục được ANC và Hollingsworth thuyết phục được Simple Minds, Dire Straits, Sting, George Michael, The Eurhythmics, Eric Clapton, Whitney Houston và Steve Wonder vào danh sách 83 nghệ sĩ tham gia hòa nhạc. Với "hỏa lực âm nhạc" mạnh như vậy, ban tổ chức đã ký hợp đồng để có 11 giờ phát sóng về chương trình.
Nelson Mandela và danh ca Mỹ Steve Wonder tại buổi hòa nhạc nhân sinh nhật thứ 80 của ông năm 1998
(Nguồn: AFP)
"Chúng tôi ký hợp đồng với phòng giải trí của các đài truyền hình. Và khi lãnh đạo các phòng này về nhà và xem kênh của họ để rồi thấy phóng viên đang gọi Mandela là khủng bố, họ lập tức gọi cho bộ phận tin tức và nói rằng đừng gọi ông là khủng bố nữa, bởi họ vừa ký hợp đồng phát sóng một chương trình kéo dài 11 giờ để tôn vinh Mandela" - Hollingsworth kể - "Và như thế, Mandela đã biến đổi từ một gã khủng bố da đen thành một nhà lãnh đạo da đen". Buổi hòa nhạc ở Wembley đã thu hút các đài truyền hình của gần 70 nước và được hơn nửa tỷ người trên thế giới xem. Cho tới nay đó vẫn là một trong những sự kiện giải trí có đông người xem nhất. Dù một số đài truyền hình yêu cầu việc hạ bớt không khí chính trị trong buổi hòa nhạc, thông điệp chính vẫn được phát ra ngoài. Ca sĩ Harry Belafonte đã mở màn bằng lời ca ngợi: "Chúng tôi ở đây hôm nay để tôn vinh một con người vĩ đại, đó là Nelson Mandela". Nelson Mandela đã được tha khỏi tù 19 tháng sau đó, chấm dứt 27 năm ở trong tù. Một buổi hòa nhạc thứ 2 sau đó đã được tổ chức để mừng sự kiện.
Nelson Mandela và nữ ca sĩ Beyonce (giữa) cùng ngôi sao của nhóm Eurythmics Annie Lennox trong chuyến thăm đảo Robben năm 2003 (Nguồn: AFP)
"Trước buổi hòa nhạc, triển vọng Nelson Mandela được trả tự do khỏi tù nghe có vẻ không tưởng" - Terry sau đó kể - "Nhưng chỉ trong vòng có 20 tháng, ông đã được tự do và tôi không nghi ngờ gì việc buổi hòa nhạc đầu tiên đã có vai trò quan trọng trong sự kiện". Mandela tiếp tục hoạt động chính trị để chấm dứt chính quyền đề cao người da trắng và đã thành lập một nền dân chủ đa sắc tộc ở Nam Phi. Tới nay ít người nhớ rằng buổi hòa nhạc được tổ chức sớm 1 tháng trước sinh nhật của Mandela, vốn diễn ra trong ngày 18/7./.
Linh Vũ (Vietnam+)