NCIF: Kịch bản lạc quan tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 6,72%

NCIF đưa ra kịch bản khả quan tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 6,72%, CPI trung bình khoảng 4,2% trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn dự kiến và sản xuất đi vào quỹ đạo năm 2021.
NCIF: Kịch bản lạc quan tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 6,72% ảnh 1Công bố Báo cáo đánh giá do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia (NCIF), ngày 20/1. (Ảnh: Vietnam+)

Năm 2021, với nền tảng đã có kết hợp với việc tiếp tục cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh; các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; các FTA thế hệ mới được thực thi cùng với sự thúc đẩy của Chính phủ trong việc tái cơ cấu về tổ chức và công nghệ, chuyển đổi số..., kinh tế Việt Nam có cơ hội tăng trưởng trở nhanh lại.

Đây là nhận định từ Báo cáo đánh giá do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện trong khuôn khổ hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

Kỳ vọng xuất khẩu tăng tốc

Theo ông Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc NCIF, Việt Nam thành công trong việc ngăn chặn tác động lây lan của COVID-19 và việc giữ được ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố nền tảng cho quá trình phục hồi kinh tế.

“Ở thời điểm khó khăn-năm 2020, kinh tế Việt Nam đã cho thấy sức bật và vị thế tương đối tốt để thoát khỏi ‘bẫy kinh tế’ của khủng hoảng COVID-19. Kết quả này là nhờ cộng hưởng của thành công trong kiểm soát dịch bệnh và những thành tựu, động lực tăng trưởng kinh tế được tích lũy từ trước đó,” ông Đức Anh nhấn mạnh.

Đánh giá về triển vọng kinh tế năm 2021, nhóm phân tích của NCIF cho rằng sự phục hồi tăng trưởng của các thị trường đối tác lớn có thể sẽ hỗ trợ gia tăng xuất khẩu của Việt Nam năm 2021.

Trước đó, dự báo của hầu hết các tổ chức quốc tế cho thấy kinh tế thế giới và các nước có thể đạt tăng trưởng cao trong năm 2021, đặc biệt là các quốc gia đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam, như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong bối cảnh đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được cho là nhân tố tích cực, hỗ trợ kinh tế Việt Nam phục hồi tốt hơn trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

NCIF: Kịch bản lạc quan tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 6,72% ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu cải thiện (ngay cả khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức thấp, kinh tế Mỹ giảm sâu, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này vẫn tăng trưởng mạnh). Với triển vọng tốt hơn ở cả hai thị trường lớn, xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 càng có cơ sở kỳ vọng tăng tốc. Dù vậy, xuất khẩu sang Mỹ đang đối mặt với rủi ro lớn khi Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách: Quốc gia thao túng tiền tệ,” ông đề cập.

Kinh tế nội địa đóng vai trò dẫn dắt

Theo báo cáo, Việt Nam đang cho thấy “sức hấp dẫn” đáng kể đối với các nhà đầu tư quốc tế dựa trên khả năng chống chịu của nền kinh tế trong đại dịch, triển vọng phục hồi sau đại dịch và các cơ hội từ các FTA. Bên cạnh đó, Việt Nam được dự báo có khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn. Thực tế năm 2020, mặc dù vốn FDI đăng ký giảm khoảng 15% nhưng vốn thực hiện giảm rất nhẹ 2%.

Điểm sáng khác được nêu ra trong báo cáo là nền kinh tế nội tại, tiêu dùng nội địa và đầu tư công vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2021.

Hiện, tiêu dùng nội địa đang đóng góp khoảng 68%-70% trong GDP và được các chuyên gia kinh tế đánh giá cao về có khả năng phục hồi nhờ yếu tố tâm lý thị trường và thu nhập được cải thiện.

Về đầu tư công, nhóm thực hiện báo cho rằng nhiều khả năng tiếp tục được thúc đẩy bởi các dự án lớn bắt đầu triển khai từ năm 2020, cùng với nỗ lực của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo sự lan tỏa đối với các thành phần, lĩnh vực khác trong xã hội. Ngoài ra, khu vực tư nhân và FDI cũng có cơ hội tích cực hơn trong hoạt động sản xuất-kinh doanh nhờ sự hồi phục cả hai phía cung, phía cầu.

Về xu thế tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2025, báo cáo của NCIF nhấn mạnh rủi ro kinh tế toàn cầu vẫn rất lớn do đó khả năng tăng trưởng cao trong giai đoạn này của Việt Nam sẽ trở nên khó khăn hơn. Trên thực tế, diễn biến của COVID-19 còn phức tạp và khó lường ngay cả khi vắcxin được cung cấp. Ngoài ra, các tác động của các chính sách kích thích kinh tế là khá hạn chế do dư địa của các chính sách tài khóa và tiền tệ hiện nay ở các quốc gia phát triển đều đang hạn hẹp dần. Phải nhìn nhận rõ rằng về hệ quả của các gói kích thích khối lượng tiền lớn của các nước đang ồ ạt tung ra, trong khi cơ hội kinh doanh lại chưa phục hồi và có thể còn làm tăng nguy cơ bất ổn tài chính, vĩ mô toàn cầu.

Các chuyên gia quốc tế cũng chỉ ra nhiều quốc gia trên thế giới đang trong xu hướng “khủng hoảng chu kỳ,” “khủng hoảng cấu trúc” (như EU) trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra. Do đó, kinh tế thế giới và các nước đối tác lớn dự báo khả năng phục hồi trở lại trạng thái trước khi đại dịch COVID-19 sẽ cần thời gian khoảng 2-4 năm tùy thuộc mức độ tác động.  

Theo đó, các chuyên gia của NCIF thận trọng cho rằng cú hích từ dịch chuyển chuỗi giá trị và dòng FDI vào Việt Nam có thể không như kỳ vọng. Các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu và dòng chảy thương mại dịch chuyển mạnh, theo hướng da dạng hơn sau đại dịch COVID-19, bên cạnh đó cơ hội tham gia của Việt Nam không dễ dàng bởi tác động của số hóa, chủ nghĩa bảo hộ và năng lực hấp thụ FDI cũng như khả năng liên kết của FDI với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.

Dự báo về triển vọng kinh tế trong năm 2021, ông Đức Anh chỉ ra hai kịch bản. Cụ thể, kịch bản cơ sở: tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt khoảng 6,17%, CPI trung bình khoảng 3,8% diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục, khi đại dịch COVID-19 dần được khống chế.

Với kịch bản khả quan, tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 6,72%, CPI trung bình khoảng 4,2% và kịch bản diễn ra trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn dự kiến. Các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trở lại quỹ đạo bình thường ngay trong năm 2021. Thêm vào đó, Việt Nam sẽ tận dụng được những lợi thế từ các hiệp định thương mại, luồng vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước khởi sắc trở lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục