NATO và EU thành lập lực lượng chung bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng

Lực lượng đặc nhiệm chung có nhiệm vụ nghiên cứu các lỗ hổng trong hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu và tham mưu các biện pháp nhằm bảo vệ tốt hơn những cơ sở hạ tầng này.
Hệ thống đường ống dẫn khí của Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) tại Lubmin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/1, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung nhằm tăng cường bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng.

Quyết định trên được đưa ra sau khi xảy ra sự cố rò rỉ đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc trong năm ngoái cũng như trong bối cảnh NATO và EU tìm cách thúc đẩy hợp tác tại thời điểm cuộc xung đột ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn.

Phát biểu tại cuộc họp với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ở Brussels (Bỉ), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết lực lượng đặc nhiệm chung, quy tụ các chuyên gia của EU và NATO, có nhiệm vụ nghiên cứu các lỗ hổng trong hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu và tham mưu các biện pháp nhằm bảo vệ tốt hơn những cơ sở hạ tầng này.

[NATO và EU chính thức ký tuyên bố chung thứ ba về hợp tác]

Chủ tịch EC nhấn mạnh thêm rằng sự cố đối với đường ống Dòng chảy phương Bắc cho thấy EU và NATO cần chuẩn bị để có thể sẵn sàng ứng phó với những mối đe dọa mới.

Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO cho biết hai bên mong muốn cùng nhau xem xét cách thức để các cơ sở hạ tầng, công nghệ và các chuỗi cung ứng quan trọng có khả năng chống chịu và phục hồi tốt hơn trước các tác động. Đây sẽ là một bước quan trọng nhằm củng cố sức mạnh và tăng tính an toàn cho các quốc gia thành viên NATO cũng như EU.

NATO và EU đã thúc đẩy hợp tác chặt chẽ kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine.

Hiện 21 trong số 27 quốc gia thành viên của EU cũng là thành viên của NATO. Ngày 10/1, hai liên minh này đã ký một cam kết hợp tác nhằm nâng cấp quan hệ đối tác lên một tầm cao mới.

Tháng 9 năm ngoái, Thụy Điển và Đan Mạch đã phát hiện 4 đoạn đường ống rò rỉ trên hai tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt từ Nga tới Đức qua Biển Baltic, sau khi các cơ quan địa chấn ghi nhận 2 vụ nổ dưới nước trước đó.

Trong số 4 điểm rò rỉ này, 2 điểm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và 2 điểm thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch.

Thụy Điển, Đan Mạch và Đức đã mở các cuộc điều tra riêng biệt để thu thập thông tin và tài liệu riêng về sự cố. Tuy nhiên, cho đến nay các cuộc điều tra vẫn chưa xác định được tổ chức hay cá nhân nào đứng sau vụ việc này.

Trong khi đó, NATO đã tăng cường triển khai lực lượng hải quân nhằm đảm bảo an ninh tại các khu vực xảy ra sự cố rò rỉ khí đốt nói trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục