Ngày 17/2, bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO đã có cuộc họp đầu tiên kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, nhằm khởi động lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sau 4 năm căng thẳng dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cuộc họp trực tuyến kéo dài 2 ngày này sẽ tập trung vào việc thảo luận tương lai của nhiệm vụ điều động 9.600 binh sỹ hỗ trợ tại Afghanistan, do chính quyền của cựu Tổng thống Trump trước đó đã đạt thỏa thuận với lực lượng Taliban về việc rút quân khỏi quốc gia Tây Nam Á này. Tuy nhiên, thỏa thuận này hiện đang được chính quyền của ông Biden xem xét lại trong bối cảnh bạo lực gia tăng tại Afghanistan.
Theo giới quan sát, tương lai của hoạt động triển khai này phụ thuộc vào việc liệu Tổng thống Biden có đồng ý tuân thủ hạn chót rút binh sỹ nước ngoài khỏi Afghanistan vào tháng 5/2021 hoặc có nguy cơ hứng chịu phản ứng dữ dội từ Taliban nếu quyết định ở lại.
[Đức mong muốn muốn duy trì hiện diện quân sự tại Afghanistan]
Trước thềm hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Đức cảnh báo, cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban đã không đạt đủ tiến triển để cho phép rút các binh sĩ nước ngoài.
Bà Annegret Kramp-Karrenbauer nói: "Điều này đồng nghĩa với tình hình an ninh thay đổi, gia tăng mối đe dọa cho lực lượng quốc tế, cũng như lực lượng của Đức. Chúng tôi cần phải chuẩn bị cho vấn đề này và rõ ràng sẽ thảo luận về vấn đề này"./.