Ngày 26/6, thông báo của Bộ Quốc phòng Litva cho biết ngoài thực hành kiểm soát không phận cũng như phối hợp giữa các đơn vị của NATO với sở tại, cuộc diễn tập "Ramstein Alloy" còn thực hành các tình huống cụ thể như tiếp nhiên liệu trên không, kiểm soát trong trường hợp mất liên lạc và triển khai các hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
[NATO để ngỏ mọi lựa chọn đối phó với tên lửa của Nga]
Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, tham gia cuộc diễn tập có các lực lượng không quân của các nước vùng Baltic cùng Ba Lan, Hungary, Tây Ban Nha, Phần Lan, Đức, Thụy Điển, Hà Lan, Na Uy, Mỹ và Anh.
Liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa, ngày 26/6, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố không loại bỏ khả năng khối quân sự này sẽ điều chỉnh hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa của mình nhằm đối phó với những mối đe dọa tiềm tàng từ hệ thống tên lửa mới của Nga.
Phóng viên TTXVN tại Brussels cho biết trả lời câu hỏi liệu NATO có thể sử dụng "lá chắn" trị giá hàng tỷ USD để chống lại các tên lửa mới của Nga hay không, ông Stoltenberg cho biết NATO đang tập trung ưu tiên vào việc "thuyết phục" Moskva tuân thủ trở lại Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Tuy không tiết lộ chính xác những gì sẽ làm, ông Stoltenberg khẳng định NATO không có ý định triển khai các tên lửa hạt nhân mặt đất mới ở châu Âu.
Trước đó, Nga tuyên bố triển khai các biện pháp quân sự đáp trả những mối đe dọa của NATO liên quan đến việc Moskva đình chỉ thực thi INF.
Nga cho rằng việc NATO cố gắng mô tả những gì đang diễn ra như một biện pháp chính trị-quân sự đáp trả các hành động của Nga về bản chất là hành động đánh lạc hướng dư luận thế giới.
Vì vậy, Nga cần triển khai các biện pháp quân sự đối kháng trước các mối đe dọa này.
Trong những năm gần đây, các nước NATO đã thể hiện thái độ nước đôi trong quan hệ với Nga, vừa răn đe vừa đối thoại.
Vì vậy, Moskva cũng sẽ thể hiện thái độ tương tự. Nga sẽ vừa kiềm chế các ý định gây hấn của NATO, vừa thúc đẩy đàm phán với các nước thành viên của tổ chức này.
INF được Mỹ và Liên Xô ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988.
Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500 km).
Tuy nhiên, Mỹ đã chính thức đình chỉ các nghĩa vụ của mình trong hiệp ước INF từ ngày 2/2 với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này, đồng thời bắt đầu thực hiện tiến trình rút khỏi INF kéo dài 6 tháng.
Nga đã bác bỏ những cáo buộc trên, cho rằng chính Washington mới là bên vi phạm hiệp ước. Sau đó, ngày 4/3, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về việc Nga đình chỉ tham gia hiệp ước này.
Năm 2010, các đồng minh NATO đã quyết định phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo để bảo vệ công dân châu Âu khỏi sự tấn công từ bên ngoài.
Vào thời điểm đó, NATO viện cớ để chống lại bất kỳ mối đe dọa nào từ Triều Tiên hoặc Iran.
Bất chấp sự phản đối kịch liệt của Nga, liên minh luôn khẳng định hệ thống này không bao giờ được dùng để chống lại Moskva./.