Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 15/2 nhóm họp tại Bỉ để tập trung thảo luận biện pháp đối phó với các thách thức toàn cầu, chia sẻ công bằng gánh nặng chi tiêu quốc phòng, cuộc chiến chống khủng bố và các mối đe dọa xuất phát từ Trung Đông và Bắc Phi.
Phát biểu trong cuộc họp báo trước hội nghị, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh tổ chức được thành lập dựa trên mối liên kết giữa Bắc Mỹ và châu Âu, và trong những lúc thăng trầm nhất, liên minh quân sự này cũng không bị chia rẽ và luôn sát cánh bảo vệ lẫn nhau, điều đó tốt cho cả châu Âu và Bắc Mỹ.
Tại hội nghị lần này, các bộ trưởng quốc phòng tiếp tục tái khẳng định tầm quan trọng bền vững của mối quan hệ quân sự xuyên Đại Tây Dương.
Theo nhà lãnh đạo Stoltenberg, NATO đã tích cực đối phó và nỗ lực thích ứng với các thách thức toàn cầu.
Dự kiến, tại hội nghị lần này, NATO tiếp tục đưa ra các quyết định theo đúng đường lối đã được xác định tại hội nghị thượng đỉnh ở Warsaw (Ba Lan) hồi tháng 7/2016, đó là triển khai 4 tiểu đoàn tác chiến đa quốc gia tại sườn phía Đông của khối nhằm tăng cường sức mạnh răn đe và phòng thủ của liên minh.
NATO cũng tăng cường khả năng đón đầu và hành động trước các cuộc khủng khoảng tại biên giới phía Nam để giữ gìn sự ổn định của khối.
Sự phát triển không ngừng của NATO đòi hỏi trách nhiệm được chia đều giữa các thành viên liên minh.
Sự chia sẻ công bằng về chi phí và tăng chi tiêu cho quốc phòng là yếu tố đảm bảo nền tảng của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương này trong điều kiện hiện nay.
Chính vì thế, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO lần này cũng đề cập đến tầm quan trọng của vấn đề chia sẻ cân bằng chi phí và tăng chi tiêu quốc phòng cho khối.
Theo số liệu mới đây, chi tiêu quốc phòng của các thành viên châu Âu thuộc NATO và Canada trong năm 2016 đã tăng 3,8%, tương đương khoảng 10 tỷ USD so với năm trước đó và hiện NATO đang cố gắng chấm dứt tình trạng cắt giảm ngân sách dành cho quốc phòng kéo dài nhiều năm qua.
Liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố và các mối đe dọa đến từ Trung Đông và Bắc Phi, NATO khẳng định ủng hộ liên quân chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và tiếp tục thực hiện công tác huấn luyện lực lượng cho các đối tác như Iraq, Jordan và Tunisia.
NATO cũng sẽ xem xét lại cơ cấu của Bộ chỉ huy để có những công cụ phù hợp đối phó với những thách thức mà tổ chức này đang phải đối mặt.
Liên minh cũng áp dụng các biện pháp khác để chống lại nguy cơ về một cuộc chiến tranh và các mối đe dọa hỗn hợp, trong đó tăng cường chính sách phòng thủ tấn công mạng.
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO kéo dài đến ngày 16/2, kết thúc sau cuộc họp Ủy ban NATO-Gruzia để bàn về tình hình an ninh trong khu vực và công tác cải tổ tại Gruzia để nước này có thể xích lại gần hơn với NATO./.