NATO, Mỹ hoan nghênh thỏa thuận chia sẻ quyền lực ở Afghanistan

Ngày 17/5, Tổng thống Ashraf Ghani và đối thủ Abdullah Abdullah đã ký thỏa thuận chia sẻ quyền lực, chấm dứt mâu thuẫn gay gắt kéo dài khiến Afghanistan chìm sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị.
NATO, Mỹ hoan nghênh thỏa thuận chia sẻ quyền lực ở Afghanistan ảnh 1Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (phải) và ông Abdullah Abdullah tại lễ ký thỏa thuận chia sẻ quyền lực ở Kabul, Afghanistan ngày 17/5/2020. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ngày 17/5, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã hoan nghênh một thỏa thuận về chia sẻ quyền lực giữa các đối thủ chính trị tại Afghanistan và kêu gọi các bên tiếp tục nỗ lực để mang lại hòa bình.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh khi mà cả đại dịch COVID-19 và bạo lực đều đang hoành hành, điều quan trọng hơn hết là tất cả các nhà lãnh đạo Afghanistan phải đoàn kết và nỗ lực vì một nền hòa bình lâu dài cho quốc gia Nam Á.

Theo thỏa thuận, ông Abdullah Abdullah sẽ dẫn đầu các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai với Taliban - bên đã ký một thỏa thuận mang tính lịch sử với Mỹ để mở đường cho việc rút các lực lượng nước ngoài, trong đó có cả nhiệm vụ huấn luyện của NATO tại Afghanistan.

Tuy nhiên, cơ hội hòa bình vẫn chưa được đảm bảo chắc chắn khi giao tranh vẫn đang tiếp diễn giữa các tay súng Taliban và lực lượng Afghanistan tại các tỉnh.

Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao nước này cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hoan nghênh thỏa thuận chia sẻ quyền lực đạt được giữa Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và đối thủ chính trị Abdullah Abdullah, đồng thời thúc giục một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt bạo lực gia tăng.

Trong một thông báo, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Morgan Ortagus cho biết: “Ngoại trưởng Mỹ Pompeo chúc mừng hai nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận về sự  quản lý  toàn diện cho Afghanistan.”

Thông báo cũng cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nhắc lại ưu tiên của Mỹ vẫn là một thỏa thuận chính trị nhằm chấm dứt cuộc xung đột và hoan nghênh những cam kết của hai nhà lãnh đạo nhằm hành động ngay lập tức để hỗ trợ cho việc tham gia vào các cuộc đàm phán nội bộ nhanh chóng.

[Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh nỗ lực kiến tạo hòa bình tại Afghanistan]

Trước đó, ngày 17/5, Tổng thống Ashraf Ghani và đối thủ Abdullah Abdullah đã ký thỏa thuận chia sẻ quyền lực, qua đó chấm dứt mâu thuẫn gay gắt kéo dài nhiều tháng khiến Afghanistan chìm sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị. 

Trên mạng xã hội Twitter, người phát ngôn tổng thống Sediq Sediqqi viết: “Thỏa thuận chính trị giữa Tổng thống Ghani và ông Abdullah vừa được ký kết. Tiến sĩ Abdullah sẽ lãnh đạo Hội đồng tối cao hòa giải dân tộc và các thành viên trong đội ngũ của ông sẽ giữ các vị trí trong nội các."

Thỏa thuận này cũng chỉ định ông Abdullah dẫn đầu phái đoàn đàm phán hòa bình với phiến quân Taliban, vốn đã ký thỏa thuận quan trọng với Mỹ nhằm mở đường cho việc rút các lực lượng nước ngoài khỏi Afghanistan.

Trong khi đó, người phát ngôn của ông Abdullah, Fraidoon Khawzoon, cho biết thỏa thuận bảo đảm phe ủng hộ ông Abdullah sẽ nắm giữ 50% số thành viên nội các cũng như vị trí thống đốc các tỉnh.

Bước đột phá trên diễn ra trong bối cảnh Afghanistan phải đương đầu với hàng loạt cuộc khủng hoảng, trong đó có tình trạng lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và xu hướng gia tăng bạo lực khiến hàng chục người thiệt mạng trong những cuộc tấn công đẫm máu hồi tuần trước.

Afghanistan đã bị cuốn vào một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Ông Ghani giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 9 năm ngoái, song tiến trình công bố bị trì hoãn do 5 tháng kiểm phiếu lại.

Trước đó, Ủy ban Bầu cử độc lập Afghanistan đã phải 2 lần trì hoãn việc công bố kết quả sơ bộ do những cáo buộc gian lận và lỗi kỹ thuật liên quan tới công tác kiểm phiếu.

Cho tới khi kết quả bầu cử được chính thức công bố hồi tháng 2 vừa qua với chiến thắng thuộc về đương kim tổng thống, đối thủ của ông Ghani là ông Abdullah Abdullah - quan chức điều hành cấp cao chính quyền Afghanistan - vẫn tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử và thành lập chính phủ của riêng mình. 

Bế tắc chính trị lên đỉnh điểm khi trong ngày 9/3, ông Abdullah cũng tổ chức lễ tuyên thệ tại thủ đô Kabul cùng thời điểm với lễ nhậm chức của Tổng thống Ghani sau khi các cuộc đàm phán giữa hai bên do Đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad làm trung gian thất bại.

Đây được xem là một “thảm họa” về chính trị của Afghanistan, kéo theo những hệ lụy về an ninh và đoàn kết dân tộc.

Do đó, giới chuyên gia kỳ vọng thỏa thuận chia sẻ quyền lực mà Tổng thống Ghani và ông Abdullah vừa đạt được sẽ giúp quốc gia Tây Nam Á thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục