NATO lên tiếng về bất đồng vụ tàu ngầm giữa Pháp với Mỹ và Australia

Theo Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO, có nhiều thỏa thuận giữa các quốc gia có thể ảnh hưởng đến NATO về mặt chính trị, nhưng hiện tại điều này sẽ không ảnh hưởng đến sự hợp tác quân sự trong NATO.
NATO lên tiếng về bất đồng vụ tàu ngầm giữa Pháp với Mỹ và Australia ảnh 1Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian (phải) và người đồng cấp Australia Marise Payne trong cuộc họp báo chung công bố thoả thuận mua tàu ngầm giữa hai nước, tại Sydney (Australia) ngày 19/12/2016. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/9, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hạ thấp nguy cơ xảy ra tranh chấp trong liên minh giữa Pháp với Mỹ và Australia về một hợp đồng tàu ngầm, khi nói rằng vụ việc này không có khả năng ảnh hưởng đến "hợp tác quân sự" trong khối.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Athens (Hy Lạp), Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer nói: “Có thể có những tác động hoặc hậu quả, nhưng vào lúc này tôi không thấy việc này sẽ có tác động đến sự gắn kết trong nội bộ NATO. Trước hết, Australia là một đối tác nhưng không thuộc NATO. Có nhiều thỏa thuận giữa các quốc gia có thể ảnh hưởng đến NATO về mặt chính trị. Tuy nhiên hiện tại, điều này sẽ không ảnh hưởng đến sự hợp tác quân sự trong NATO."

Về phần mình, Pháp tiếp tục cáo buộc Australia và Mỹ “lừa dối” trong cuộc khủng hoàng về một hiệp ước an ninh, trong đó Canberra đã hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp để thay thế bằng các tàu của Mỹ.

[Australia xác nhận rút khỏi thỏa thuận tàu ngầm với Pháp]

Phát biểu trên kênh truyền hình France 2 ngày 18/9, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói: "Có sự giả dối, phá vỡ lòng tin và sự coi thường. Điều này sẽ không mang lại lợi ích gì".

Ông Le Drian nhấn mạnh một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hiện đang diễn ra giữa các đồng minh sau khi Paris triệu hồi các đại sứ Pháp tại Canberra và Washington. Ngoại trưởng Pháp cho rằng NATO sẽ phải tính đến những gì đã xảy ra khi khối này cân nhắc chiến lược trong tương lai.

Tập đoàn Hải quân của Pháp, một phần thuộc sở hữu nhà nước, đã được chọn để đóng 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường cho Australia. Tuy nhiên, Mỹ, Anh và Australia ngày 15/9 thông báo sẽ thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên AUKUS ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

AUKUS cho phép Mỹ và Anh cung cấp cho Australia công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân, điều khiến Caberra quyết định rút khỏi thỏa thuận mua tàu ngầm của Paris./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục