NATO đang trong tình trạng 'chết não' - sự thật bị thổi phồng?

Nếu Hội nghị thượng đỉnh London là nơi thể hiện sự bất đồng chưa từng thấy giữa các đồng minh, thì đây có thể được coi như là một thời điểm lịch sử, đánh dấu sự khởi đầu cho kết thúc của NATO.
NATO đang trong tình trạng 'chết não' - sự thật bị thổi phồng? ảnh 1Chẩn đoán NATO đang trong tình trạng 'chết não' của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào giữa tháng 11 vừa qua được nhiều nhà phân tích coi là 'thổi phồng' sự thật. (Nguồn: Reuters)

Việc có quá nhiều bất đồng giữa các đồng minh tại Hội nghị thượng đỉnh London vào ngày 3-4/12 có thể đánh dấu sự chia rẽ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo nhận định của ông Bruno Tertrais, Phó Giám đốc Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp, trong một bài viết đăng trên báo Le Monde.

Chẩn đoán NATO đang trong tình trạng "chết não" của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào giữa tháng 11 vừa qua được nhiều nhà phân tích coi là "thổi phồng" sự thật.

Trên thực tế, tổ chức này đã vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng kể từ năm 1949. Những vấn đề mà NATO phải đối mặt hiện nay gồm ba yếu tố căng thẳng: những nghi ngờ của châu Âu về sức mạnh hiện diện quân sự của Mỹ, đặc biệt là ở châu Á; những đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh tình hình an ninh đáng quan ngại tại vùng phía Nam, vốn đã căng thẳng kể từ cuối những năm 1980; sự suy tính thiệt hơn của Mỹ khi muốn xem xét lại các cam kết trong liên minh.

Theo ông Bruno Tertrais, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhấn mạnh yêu cầu "chia sẻ gánh nặng" giữa các nước thành viên NATO một cách hợp lý hơn, cũng như bày tỏ nỗi e ngại châu Âu đóng cửa đối với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, hoặc đòi hỏi những khoản tiền lớn để duy trì lực lượng bảo vệ của Mỹ ở nước ngoài.

Cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra trong liên minh, nơi chưa bao giờ là hiện thân của sự thống nhất các quan điểm về thế giới. Bên ngoài khu vực Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, sự đoàn kết giữa các thành viên dường như không tồn tại.

Đặc biệt, Trung Đông luôn là tâm điểm của những căng thẳng lớn, như khủng hoảng Suez (1956), chiến tranh Arab-Israel (1973), cuộc đột kích vào Libya (1986), chiến tranh Iraq (2003)... Vấn đề Syria ngày nay luôn gây ra những bất đồng chiến lược trong liên minh.

Thời gian qua, hoạt động của NATO đã quay trở lại nội dung cốt lõi là phòng thủ tập thể, tăng cường hiện diện ở phương Đông trong khi vẫn tôn trọng cam kết năm 1997 với Nga là không có "lực lượng chiến đấu đáng kể."

Chuẩn bị các công cụ phản ứng nhanh và thực hiện các cuộc tập trận quy mô lớn, trong đó có cuộc tập trận "Defender 2020" nhằm thể hiện sự tái xuất của quân đội Mỹ tại châu Âu, lớn nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Bên cạnh đó, NATO đã thực hiện tốt ba nhiệm vụ: trấn an các thành viên đang lo lắng, ngăn cản Nga tấn công các nước láng giềng, sẵn sàng phản ứng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Tuy nhiên, liệu những hoạt động trên có thể bảo vệ liên minh khỏi các cuộc khủng hoảng chính trị? Mỹ đang khiến cho châu Âu lo lắng, khi tăng cường sự quan tâm đến châu Á. Mỹ thay đổi chính sách ở Trung Đông khi quyết định rút quân khỏi Syria, và ở vùng Vịnh khi không phản ứng trước các cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia. Mỹ đòi hỏi các thành viên khác tăng đóng góp vào ngân sách của liên minh để đổi lại việc Mỹ duy trì lực lượng bảo vệ. Vậy mà NATO không thể hoạt động nếu không có sự đầu tư của Mỹ.

Thêm vào đó là thách thức do định hướng chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ gây ra. Đằng sau vấn đề Syria, những căng thẳng xuất hiện sau khi Ankara mua hệ thống phòng thủ S400 của Nga và Ankara bị Mỹ loại ra khỏi chương trình máy bay chiến đấu tàng hình F-35, đã “ăn mòn” NATO.

Theo ông Bruno Tertrais, hãy khoan đưa ra kết luận vội vàng rằng Mỹ không quan tâm đến châu Âu nữa. Dưới thời Tổng thống Trump, đầu tư quân sự của Mỹ vào châu lục này không hề giảm đi. NATO không bị Quốc hội hoặc dư luận Mỹ đặt câu hỏi. Quan hệ thương mại và tài chính xuyên Đại Tây Dương vẫn mạnh hơn so với quan hệ xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, có lẽ vẫn khó tránh việc không nghĩ tới một kịch bản sụp đổ của NATO, vì một động thái bất ngờ nào đó của ông Trump hoặc nhiều lần cắt giảm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tổ chức quân sự lớn nhất hành tinh này.

[Tổng thống Mỹ hủy buổi họp báo sau khi kết thúc Hội nghị NATO]

Về cơ bản, con đường mà Pháp chọn là con đường đúng, ông Bruno Tertrais nhận xét. Sự phát triển năng lực quốc phòng châu Âu là một chiến lược cùng có lợi, nhằm củng cố liên minh và đảm bảo lợi ích của châu Âu trong trường hợp buộc phải “chia tay." Châu Âu có mọi lý do để đứng vững trước ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, hoặc trước những người muốn NATO quan tâm hơn đến Trung Quốc.

Một liên minh phải dựa trên lợi ích chung. Việc đưa ra các quyết định thương mại hoặc chính trị để làm hài lòng người Mỹ là vấn đề của “hội chứng nhi tính” còn quá phổ biến. Những người làm điều đó vì e ngại bị bỏ rơi đã quên mất rằng Mỹ hiện diện ở châu Âu là vì lợi ích của chính nước Mỹ.

Tuy nhiên, châu Âu không có lợi ích gì nếu NATO đột ngột sụp đổ. Người châu Âu chưa sẵn sàng để đối mặt với kịch bản này, ông Bruno Tertrais nhấn mạnh.

Các liên minh luôn phải đối mặt với nhiều mối đe dọa, từ bên trong cũng như từ bên ngoài. Theo ông Bruno Tertrais, không ai mong muốn NATO bị chia rẽ và sụp đổ. Liên minh hoàn toàn có thể ăn mừng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập vào năm 2049.

Tuy vậy, nếu Hội nghị thượng đỉnh London là nơi thể hiện sự bất đồng chưa từng thấy giữa các đồng minh, thì đây có thể được coi như là một thời điểm lịch sử, đánh dấu sự khởi đầu cho kết thúc của NATO./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục