Các tướng lĩnh NATO đang đứng trước tình thế khó khăn trong việc cân bằng hoạt động trong cuộc chiến đẫm máu tại Sirte và Bani Walid - các cứ điểm cuối cùng của nhà lãnh đạo bị lật đổ Muammar Gaddafi.
Liên quân NATO muốn để Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) tuyên bố giành chiến thắng trong các trận chiến tại đây và trong cuộc chiến nói chung tại Libya với mục đích nhằm tăng cường tính hợp pháp của NTC như là nhà cầm quyền mới của Libya sau 4 thập kỷ cầm quyền của ông Gaddafi, đồng thời tạo thêm cơ hội để nền dân chủ ổn định bám rễ sâu tại nước này.
Tuy nhiên, các chính phủ châu Âu vốn đi đầu trong chiến dịch không kích của NATO tại Libya cũng cần can dự đủ lâu và đủ mức để đảm bảo rằng thành công mà họ đạt được đến nay tại Libya không bị lu mờ bởi hoạt động rút quân hỗn loạn. Nếu NATO âm thầm bước sang một bên và giao tranh lại nổ ra, thì việc này sẽ làm giảm sút vị thế của châu Âu tại Libya và làm lu mờ chiến dịch vốn được coi là thành công của châu Âu.
Theo các chuyên gia, các lực lượng NATO cần phải giảm bớt chiến dịch ném bom, vốn được coi là "có công" tạo lợi thế cho NTC. Thay vào đó, NATO có thể tăng cường các hoạt động khác như giám sát và hỗ trợ đường không để loại bỏ bất kỳ số vũ khí còn lại nào có thể đe dọa tới quá trình chuyển giao trong hòa bình.
Tim Ripley, chuyên gia quân sự cho tuần báo quốc phòng Jane's có trụ sở tại London nói: "Khi cuộc chiến gần kết thúc, vai trò của NATO rõ ràng sẽ trở thành 'tai, mắt' của NTC hơn là 'mũi nhọn chính'."
Vấn đề là số người trung thành còn lại với Gaddafi hiện đang tập trung ở thành phố đông dân cư Bani Walid và Sirte, khiến cho việc ném bom của NATO có nguy cơ gây thương vong cho dân thường. Theo nhà phân tích Shashank Joshi thuộc Viện Royal United Services tại London, NATO do không có đủ thông tin tình báo nên không thể xác định được mục tiêu ném bom tại Sirte và Bani Walid mà không gây thương vong cho dân thường.
Ông nói: "Tại Tripoli, có quân nổi dậy, có các lực lượng đặc nhiệm của phương Tây, các mạng lưới nổi dậy. Nhưng tại Sirte và Bani Walid, NATO không có thông tin từ những lực lượng này. Do đó, việc xác định mục tiêu là rất khó khăn."
Theo chuyên gia Ripley, tình hình chiến sự tại Sirte và Bani Walid bắt buộc NATO phải thay đổi chiến thuật hoạt động bởi hỏa lực từ máy bay chiến đấu của NATO gặp hạn chế. Ông nói: "Lực lượng trung thành với Gaddafi không còn dùng xe tăng và pháo binh vốn là những mục tiêu dễ bị phát hiện và tấn công. Trong khi đó, NTC đang dùng pháo binh để đẩy các lực lượng của Gaddafi ra khỏi nơi ẩn náu trong các tòa nhà. Cả hai phe đang giao tranh trong tình cảnh áp sát như vậy, nên rất khó phân biệt bên nào với bên nào, đồng thời gây khó cho hoạt động ném bom."
Theo các chuyên gia quân sự, một phần quan trọng trong chiến thuật của NATO trong tương lai gần là tập trung vào tuyến đường tiếp cận cho nguồn cung cấp cho lực lượng ủng hộ Gaddafi hay lối thoát khỏi các thành phố này. Ngoài ra, các lực lượng của NATO có thể tập trung truy quét bất kỳ vũ khí nào còn để lại từ chế độ Gaddafi ở bên ngoài thành phố Sirte và Bani Walid vốn có thể gây khó khăn cho hội đồng chuyển giao.
Trong khi đó, các tổ chức nhân quyền kêu gọi NATO dựa vào lực lượng ủng hộ NTC để làm nhiều hơn trong nỗ lực bảo vệ dân thường trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về số người bị mắc kẹt tại thành phố Sirte. Theo các cơ quan cứu trợ, nguy cơ thảm họa nhân đạo đang dần hiện rõ bởi nguồn cung cấp nước, điện và lương thực đang dần cạn kiệt.
Peter Bouckaert thuộc tổ chức Giám sát Nhân quyền nói: "NATO có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với các hoạt động của lực lượng ủng hộ NTC. NATO cần dùng ảnh hưởng của mình để đảm bảo rằng NTC đáp ứng các trách nhiệm pháp lý theo luật quốc tế (là tránh gây thương vong cho dân thường)." Ông Bouckaert cho rằng NATO đối mặt với một thách thức khác là ngăn cản lực lượng ủng hộ NTC tiến hành trả thù những người mà họ nghi là đứng về phe trung thành với Gaddafi./.