Nasdaq, S&P lại giảm điểm trước khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất

Nasdaq Composite và chỉ số S&P 500 chốt phiên cuối tuần qua giảm điểm và cùng giảm tuần thứ hai liên tiếp, khi chỉ số liệu cho thấy chỉ số giá của nhà sản xuất (PPI) tại Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến.
Giao dịch viên trên thị trường chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chỉ số Nasdaq Composite và chỉ số S&P 500 chốt phiên cuối tuần qua giảm điểm và cùng giảm tuần thứ hai liên tiếp, khi chỉ số liệu cho thấy chỉ số giá của nhà sản xuất (PPI) tại Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến, làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất.

Trong cả tuần, chỉ số Dow Jones tăng 6,2%. Chỉ số S&P 500 giảm 0,3% và chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,9%. Đây là lần đầu tiên trong năm nay, chỉ số Nasdaq Composite giảm điểm hai tuần liên tiếp.

Chốt phiên 11/8, chỉ số Dow Jones tăng 105,25 điểm, hay 0,3%, lên 35.281,4 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,78 điểm, hay 0,11%, xuống 4.464,05 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 76,18 điểm, hay 0,56%, xuống 13.644,85 điểm, sau khi cùng chạm mức thấp nhất trong một tháng trước đó trong phiên.

Bộ Lao động Mỹ công bố liệu cho thấy PPI tại Mỹ trong tháng 7/2023 tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 0,2% trong tháng 6, khi giá dịch vụ tăng. Trong khi đó, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Refinitiv dự báo mức tăng 0,7%.

Số liệu PPI khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng và kéo giá các cổ phiếu của các công ty có giá trị vốn hóa rất lớn nhạy cảm với lãi suất đi xuống.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng lên 4,88%.

Giá cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ lớn chịu sức ép, khi lãi suất cao có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và làm giảm khả năng các tập đoàn này đạt được các dự báo về tăng trưởng vốn đã giúp các tập đoàn đạt giá trị cao kỷ lục.

Mặc dù Fed được cho là sẽ chưa thắt chặt các điều kiện tín dụng từ nay đến cuối năm, khả năng không tăng lãi suất trong tháng 9 giảm từ 90% vào trước khi số liệu trên được công bố xuống 88,5%.

[Chứng khoán toàn cầu lao dốc sau khi 10 ngân hàng Mỹ bị hạ tín nhiệm]

Người phụ trách chiến lược đầu tư toàn cầu tại Wells Fargo Investment Institute (St. Louis), Paul Christopher, cho rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất khi đà giảm của lạm phát đang chững lại sau khi giảm nhanh trong những tháng qua.

Phiên 10/8, các chỉ số chính của Phố Wall đều ghi nhận mức tăng khiêm tốn, trong đó chỉ số S&P 500 tăng chưa đến 0,1%. Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng 0,2%, lên 35.176,15 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng chưa đến 0,1% lên 4.468,83 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tiến 0,1% và khép phiên ở mức 13.737,99 điểm.

Trong phiên 9/8, các công ty công nghệ lớn đã dẫn dắt đà giảm trên thị trường chứng khoán Mỹ, trong bối cảnh giới đầu tư đang xem xét số liệu kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc và chờ đợi báo cáo lạm phát của Mỹ. Khép lại phiên này, chỉ số Dow Jones giảm 0,5% xuống 35.123,75 điểm.

Trong khi đó, chỉ số S&P 500 để mất 0,7% xuống 4.467,75 điểm, còn chỉ số Nasdaq giảm 1,2% xuống 13.722,02 điểm.

Chứng khoán toàn cầu đi xuống trong phiên 8/8, sau khi hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody’s hạ bậc xếp hạng tín nhiệm 10 ngân hàng Mỹ và dữ liệu thương mại trong tháng Bảy của Trung Quốc yếu hơn dự báo, làm dấy lên lo ngại về triển vọng kinh tế thế giới.

Chốt phiên này, chỉ số Dow Jones giảm 0,5%, xuống 35.314,49 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,4%, còn 4.499,38 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,8% xuống 13.884,32 điểm.

Kết thúc phiên 7/8, chứng khoán Mỹ tăng nhẹ, lấy lại một số điểm đã mất vào tuần trước, khi các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo lạm phát dự kiến sẽ được công bố ngày 10/8, với nhiều dấu hiệu tích cực.

Chốt phiên trên, chỉ số Dow Jones tăng 407,51 điểm, tương đương 1,16%, lên 35.473,13 điểm, ghi nhận mức tăng trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 15/6.

Trong khi đó, chỉ số S&P 500 tăng 40,41 điểm, tương đương 0,9%, ở mức 4.518,44 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 85,16 điểm, tương đương 0,61%, lên 13.994,40 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục