NASA và sứ mệnh lịch sử tiếp cận gần nhất tới Mặt Trời

NASA đang tiến gần hơn tới việc khám phá những bí mật sâu thẳm của Mặt Trời với Parker Solar Probe - tàu vũ trụ được thiết kế để tiếp cận gần nhất với ngôi sao trung tâm hệ Mặt Trời.

Hình ảnh Mặt Trời được chụp bởi kính thiên văn H-Alpha ngày 26/7/2024. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)
Hình ảnh Mặt Trời được chụp bởi kính thiên văn H-Alpha ngày 26/7/2024. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang tiến gần hơn tới việc khám phá những bí mật sâu thẳm của Mặt Trời với Parker Solar Probe - tàu vũ trụ được thiết kế để tiếp cận gần nhất với ngôi sao trung tâm hệ Mặt Trời.

Được phóng vào năm 2018, Parker Solar Probe đã bay xuyên qua vầng nhật hoa - tầng khí quyển ngoài cùng của Mặt Trời, vốn chỉ có thể nhìn thấy trong những lần nhật thực toàn phần.

Trong ngày 24/12, tàu vũ trụ này dự kiến ghi mốc đáng kinh ngạc: vượt qua khoảng cách kỷ lục 6 triệu km so với bề mặt Mặt Trời. Chuyên gia Joe Westlake thuộc NASA giải thích: “Để dễ hình dung, nếu coi Mặt Trời và Trái Đất nằm ở hai đầu của một sân bóng bầu dục, thì Parker sẽ chỉ cách Mặt Trời khoảng 3,6 m.”

Tuy nhiên, các nhà quản lý sứ mệnh này sẽ phải chờ vài ngày sau chuyến bay để nhận được tín hiệu, vì tàu vũ trụ sẽ nằm ngoài phạm vi liên lạc trong thời điểm gần Mặt Trời nhất.

Parker Solar Probe được thiết kế để chịu được những điều kiện khắc nghiệt nhất. Theo đó, Parker Solar Probe có thể tiếp cận gần Mặt Trời gấp hơn 7 lần so với tàu vũ trụ trước.

Tại điểm gần Mặt Trời nhất, tàu sẽ di chuyển với vận tốc 690.000 km/h, trở thành tàu vũ trụ bay nhanh nhất từng được chế tạo. Để bảo vệ các thiết bị bên trong, Parker Solar Probe được trang bị lá chắn nhiệt có thể chịu được nhiệt độ lên tới 1.371 độ C - mức nhiệt đủ để làm tan chảy hầu hết kim loại.

Sứ mệnh của Parker Solar Probe không chỉ là một bước tiến trong lĩnh vực kỹ thuật vũ trụ mà còn mang lại những hiểu biết sâu sắc về Mặt Trời, như tại sao vầng nhật hoa lại nóng hơn bề mặt Mặt Trời hàng trăm lần hay điều gì tạo ra gió Mặt Trời - luồng hạt tích điện siêu âm liên tục phát ra từ Mặt Trời, ảnh hưởng đến từ trường và khí hậu không gian gần Trái Đất.

Những câu hỏi này không chỉ mang tính lý thuyết mà còn có ý nghĩa thực tiễn. Các cơn bão Mặt Trời mạnh có thể gây gián đoạn truyền thông vô tuyến, ảnh hưởng đến hệ thống điện và cả vệ tinh trong quỹ đạo.

Mặt Trời - với những tia sáng ấm áp - là nguồn sống của Trái Đất. Tuy nhiên, trong chu kỳ hoạt động 11 năm, Mặt Trời cũng bước vào giai đoạn bùng phát cực đại. Hiện tại, sự hoạt động mạnh mẽ của Mặt Trời đang tạo ra những dải cực quang rực rỡ ở nhiều khu vực trên thế giới.

Chuyên gia Westlake ví von rằng: “Mặt Trời là người hàng xóm gần gũi, thân thiện nhất, nhưng đôi khi cũng có những lúc nổi giận.”

Theo kế hoạch, Parker Solar Probe tiếp tục bay quanh Mặt Trời ở khoảng cách gần này ít nhất đến tháng 9/2025.

Các nhà khoa học hy vọng sứ mệnh sẽ cung cấp thêm nhiều dữ liệu để hiểu rõ hơn về nguồn gốc và bản chất của ngôi sao trung tâm hệ Mặt Trời này./.

TTXVN/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục

Máy tính lượng tử 133 qubit hiện tại của IBM thường được sử dụng cùng với các siêu máy tính để bù đắp cho các lỗi tính toán. (Nguồn: Nikkei Asia)

Israel ra mắt máy tính lượng tử 20 Qu-bit đầu tiên

Chiếc máy tính lượng tử 20 Qu-bit đầu tiên do Israel chế tạo đã chính thức được sử dụng với công nghệ siêu dẫn hiện đại nhất, hứa hẹn sẽ củng cố vị thế khoa học và công nghệ của Israel.

Một mẫu xe Volkswagen. (Nguồn: entrepreneur)

Volkswagen "đặt cược" vào hãng xe điện Rivian

150 nhân viên của công ty con Cariad thuộc Volkswagen sẽ tham gia mô hình đối tác với Rivian – công ty khởi nghiệp của Mỹ được thành lập từ năm 2009 - để phát triển phần mềm.