Các nhà nghiên cứu thuộc Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cùng các cộng sự quốc tế đã sử dụng Iceland làm đối tượng nghiên cứu thay cho Sao Kim để thử nghiệm các công nghệ radar giúp khám phá hành tinh này.
Với áp suất khí quyển cực lớn, những đám mây axit sulfuric và nhiệt độ bề mặt nóng rát, Sao Kim là hành tinh đặc biệt khó tiến hành nghiên cứu. Mặc dù vậy, các nhà khoa học tin rằng việc quan sát bề mặt của hành tinh này có thể cung cấp những hiểu biết quan trọng về khả năng sinh tồn và sự tiến hóa của các hành tinh đá, giống như Trái Đất.
NASA dự kiến sẽ triển khai Sứ mệnh VERITAS trong vòng 10 năm tới để khảo sát bề mặt Sao Kim và khám phá những manh mối về bản chất thực sự của hành tinh này.
Để đặt nền móng cho sứ mệnh này, hồi tháng 8 vừa qua, các thành viên của Nhóm Khoa học Quốc tế VERITAS đã tới Iceland trong một chiến dịch nghiên cứu kéo dài 2 tuần, sử dụng đảo quốc này làm đối tượng nghiên cứu tạm thời thay cho Sao Kim.
[Nghiên cứu hé lộ một giả thuyết thú vị về lịch sử của Sao Kim]
Theo JPL, một số địa điểm trên Trái Đất có những đặc điểm tương đồng với các hành tinh khác và do đó có thể sử dụng để nghiên cứu thay thế các hành tinh đó, đặc biệt là để giúp chuẩn bị các công nghệ và kỹ thuật đối với những môi trường chưa từng đặt chân tới.
Bà Suzanne Smrekar - chuyên gia cấp cao tại JPL, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu VERITAS - cho biết: “Iceland là một quốc gia có nhiều núi lửa và được khói nóng bao quanh. Trong khi đó, Sao Kim là một hành tinh núi lửa với nhiều bằng chứng địa chất cho thấy các đám khói đang hoạt động. Những điểm tương đồng về địa chất khiến Iceland trở thành một nơi tuyệt vời để nghiên cứu Sao Kim ngay tại Trái Đất, giúp các nhà khoa học chuẩn bị tốt hơn cho sứ mệnh thăm dò Sao Kim."
Theo JOL, Sứ mệnh VERITAS sẽ dựa vào radar khẩu độ tổng hợp tiên tiến nhất để tạo ra bản đồ toàn cầu định dạng 3D và máy quang phổ cận hồng ngoại để phân biệt các loại đá chính trên bề mặt Sao Kim.
Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn những gì radar của tàu vũ trụ này sẽ quan sát được tại Sao Kim, nhóm khoa học VERITAS sẽ cần so sánh các dữ liệu radar về địa hình Iceland từ trên không với các phép đo được thực hiện trên mặt đất./.