NASA phóng vệ tinh thăm dò tiểu hành tinh có thể phá hủy Trái Đất

NASA phóng một vệ tinh thăm dò tiểu hành tinh Bennu có nguy cơ đâm vào Trái Đất, một bước tiến mới nhằm tìm hiểu về nguồn gốc của Hệ Mặt Trời và nhân loại.
Các ăngten của NASA lần đầu bắt được hình ảnh của Bennu vào năm 1999. (Nguồn: space.com)

Ngày 8/9, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phóng một vệ tinh thăm dò tiểu hành tinh Bennu có nguy cơ đâm vào Trái Đất, một bước tiến mới nhằm tìm hiểu về nguồn gốc của Hệ Mặt Trời và nhân loại cũng như ngăn chặn thảm họa va chạm trong tương lai.

Tàu vũ trụ OSIRIS-REx theo kế hoạch sẽ khởi hành vào 23h05 ngày 8/9 (khoảng 6h sáng 9/9 giờ Việt Nam) tại Căn cứ không quân Cape Canaveral, bang Florida (Mỹ).

Ông Dante Lauretta, một chuyên gia về khoa học hành tinh tại Đại học Arizona và chuyên viên chính của chương trình OSIRIS-REx, cho biết nhiệm vụ chính của OSIRIS-REx là mang về 60g vật liệu giàu carbon từ bề mặt Bennu.

Các nhà khoa học hy vọng những mẫu vật này sẽ chứa các phân tử hữu cơ từ giai đoạn hình thành nên Hệ Mặt Trời, từ đó cung cấp thông tin dữ liệu về nguồn gốc của sự sống.

OSIRIS-REx sẽ mất 1 năm bay quanh Mặt trời để lợi dụng lực hấp dẫn, trước đi thay đổi quỹ đạo và chuyển hướng về phía tiểu hành tinh Bennu, dự kiến cả 2 sẽ "gặp" nhau vào tháng 8/2018.

OSIRIS-REx sẽ lập bản đồ tiểu hành tinh này, thu thập các mẫu vật trước khi khởi hành trở về Trái Đất vào tháng 3/2021.

Bennu là một tiểu hành tinh được phát hiện hồi năm 1999, nó có đường kính 492m, bay quanh Mặt Trời với tốc độ trung bình 101.000 km/h và bay ngang qua quỹ đạo của Trái Đất mỗi 6 năm một lần.

Giới khoa học đánh giá khả năng va chạm giữa Bennu và Trái Đất ở mức thấp, tỷ lệ cao nhất là 1:2.500 trong giai đoạn giữa năm 2175 và 2196.

Tuy nhiên, nếu khả năng này thực sự xảy ra sẽ tạo ra một vụ nổ tương đương 3 tỷ tấn thuốc nổ, gấp 200 lần trái bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Lực này đủ khả năng thổi bay hầu hết sự sống trên Trái Đất.

Nhiệm vụ OSIRIS-REx sẽ đặt nền tảng cho hoạt động thám hiểm các tiểu hành tinh và vật thể không gian kích thước nhỏ của Hệ Mặt Trời trong tương lai. Một mục tiêu khác là đo lường "Hiệu ứng Yarkovsky" - hiện tượng tiểu hành tinh hấp thụ năng lượng ánh sáng Mặt Trời và tống ra dưới dạng nhiệt như một động cơ đẩy, tác động lên đường bay của thiên thể.

Hiểu thêm về hiệu ứng này có thể giúp các nhà khoa học dự đoán chính xác hơn mối đe dọa từ các tiểu hành tinh và chuyển hướng các thiên thể có nguy cơ đâm vào Trái Đất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục