NASA phóng trạm quan sát nghiên cứu Mặt Trời

Trạm SDO trị giá gần 900 triệu USD, được trang bị phương tiện tiên tiến nhất để giải đáp bí ẩn về hoạt động trong lòng Mặt Trời.
Ngày 11/2, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã phóng thành công lên quỹ đạo Trạm Quan sát nghiên cứu Mặt Trời (SDO) nhằm giúp các nhà khoa học hiểu biết rõ hơn những hoạt động dữ dội diễn ra không ngừng trong lòng Mặt Trời cũng như tác động của nó đến Trái Đất.

Những tác động được gọi là “thời tiết vũ trụ” này có thể làm gián đoạn thông tin, phá hỏng hệ thống truyền tải điện, làm tê liệt các vệ tinh và gây nguy hiểm cho các nhà du hành vũ trụ trên quỹ đạo.

Trạm Quan sát SDO trị giá gần 900 triệu USD được trang bị các phương tiện nghiên cứu tiên tiến nhất để thực hiện trong một năm Chương trình đầu tiên nghiên cứu về Mặt Trời, nhằm giải đáp nhiều bí ẩn về hoạt động bên trong "ngôi sao của Trái Đất".

Trạm sẽ chuyển về Trái Đất các dữ kiện về hệ Mặt Trời từ quỹ đạo cực cao của Trái Đất với tốc độ 150 triệu bit một giây, tương đương với chuyển tải 500.000 bài hát mỗi ngày, cao hơn tốc độ truyền dữ liệu của bất cứ trạm nghiên cứu vũ trụ hiện có nào của NASA.

SDO sẽ quan sát bề mặt và bầu khí quyển của Mặt Trời, đo dao động của các tia cực tím do Mặt Trời phát ra, lập bản đồ từ trường và quan sát bên trong Mặt Trời./.

(TTXVN/vietnam+)

Tin cùng chuyên mục