Theo dữ liệu mới nhất do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố ngày 25/9, diện tích băng biển tại Bắc Cực có thể đã ở mức tối thiểu hằng năm vào ngày 19/9 vừa qua.
Năm 2023 là năm ghi nhận diện tích băng biển tại Bắc Cực ở mức thấp thứ 6 dựa trên những số liệu thu được từ vệ tinh.
Trong khi đó, băng biển tại Nam Cực ghi nhận diện tích tối đa ở mức thấp kỷ lục vào ngày 10/9, thời điểm mà lẽ ra diện tích băng biển bao phủ khu vực này phải phát triển với tốc độ nhanh hơn nhiều trong những tháng lạnh nhất và tối nhất trong năm.
[Băng biển Bắc Cực giảm có liên quan đến hiện tượng thời tiết cực lạnh]
Các nhà khoa học theo dõi diện tích băng biển dao động hằng năm và theo mùa vì băng biển ảnh hưởng lớn đến các hệ sinh thái vùng cực của Trái Đất và đóng một vai trò đáng kể đối với khí hậu toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu tại NASA và Trung tâm Dữ liệu về Băng và Tuyết Quốc gia Mỹ (NSIDC) đã sử dụng các vệ tinh để đo diện tích băng biển khi tan chảy và đóng băng lại.
Họ theo dõi phạm vi băng biển, được định nghĩa là tổng diện tích của đại dương mà trong đó tỷ lệ băng bao phủ ít nhất 15%, theo đó nhận thấy trong thời gian từ tháng Ba đến tháng 9/2023, diện tích băng bao phủ ở Bắc Cực đã giảm từ mức đỉnh 14,62 triệu km2 xuống còn 4,23 triệu km2.
Theo NASA, lượng băng biển bị mất đủ để bao phủ toàn bộ lục địa nước Mỹ.
Băng biển xung quanh Nam Cực ghi nhận diện tích tối đa trong mùa Đông ở mức thấp nhất vào ngày 10/9 là 16,96 triệu km2.
Theo NASA, con số này ít hơn 1,03 triệu km2 so với mức thấp kỷ lục trước đó ghi nhận năm 1986.
Nhà khoa học Walt Meier nghiên cứu về băng biển tại NSIDC nêu rõ: “Đó là mức thấp phá kỷ lục về diện tích băng biển ở Nam Cực."
Theo nhà khoa học này, mức độ phát triển của băng biển có vẻ thấp ở gần như toàn bộ khu vực này, trái ngược với bất kỳ khu vực nào khác.
Ông Meier cho rằng những thay đổi này là phản ứng cơ bản kéo dài hàng thập kỷ đối với tình trạng nhiệt độ ấm lên./.