NASA đầu tư hơn 400 triệu USD để nghiên cứu máy bay siêu tiết kiệm

Boeing sẽ hợp tác với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) để "chế tạo, thử nghiệm và vận hành một chiếc máy bay trình diễn quy mô lớn và xem xét các công nghệ nhằm giảm lượng khí thải.
NASA đầu tư hơn 400 triệu USD để nghiên cứu máy bay siêu tiết kiệm ảnh 1Boeing sẽ nhận hơn 400 triệu USD để phát triển máy bay thân thiện với môi trường. (Nguồn: CNN)

Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang hợp tác với công ty sản xuất máy bay Boeing, trong nỗ lực làm cho ngành du lịch hàng không trở nên xanh và sạch hơn.

Hôm 18/1, NASA thông báo sẽ đầu tư 425 triệu USD cho Boeing để phát triển dự án mang tên Trình diễn Chuyến bay Bền vững. Ngoài số tiền này, Boeing và các đối tác còn lại sẽ đóng góp thêm để đưa tổng giá trị dự án lên mức 725 triệu USD.

NASA và Boeing sẽ chế tạo, thử nghiệm và vận hành một chiếc máy bay trình diễn quy mô lớn và xem xét các công nghệ nhằm giảm lượng khí thải. “Hầu hết các bạn đều nghĩ NASA là một cơ quan trong lĩnh vực vũ trụ và hàng không. Nhưng thực tế chúng tôi còn làm việc trong lĩnh vực khí hậu," Giám đốc NASA Bill Nelson cho biết trong một cuộc họp báo.

Theo ông, NASA vừa giám sát Trái đất từ không gian, thông qua các công cụ như vệ tinh, để theo dõi các điều kiện thời tiết toàn cầu và hệ thống nước, vừa phát triển các công nghệ nhằm giảm lượng phát thải carbon.

NASA là một cơ quan có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển máy bay. Chẳng hạn, NASA đã chế tạo mẫu máy bay điện X-57 Maxwell và máy bay vận tải Super Guppy.

Nỗ lực của NASA trong hoạt động chế tạo máy bay còn bao gồm việc phát triển các công nghệ hàng không tiên tiến, cuối cùng sẽ được sử dụng trong các loại máy bay thương mại mà hầu hết chúng ta sử dụng ngày nay. “Khi bạn bay trên bất kỳ chiếc máy bay nào, xung quanh bạn là công nghệ do NASA tạo ra,” ông Nelson nói.

Nhiều sự phát triển trong hoạt động thiết kế máy bay như cánh nhỏ (winglet) đã được NASA tạo ra vào những năm 1970 và hiện phổ biến trên máy bay chở khách.

NASA hy vọng dự án Trình diễn Chuyến bay Bền vững có thể mang lại một sự đổi mới tương tự, dưới dạng cấu trúc cánh mới, được gọi là cánh có thanh giằng xuyên âm. NASA sẽ hợp tác với Boeing để thiết kế và chế tạo máy bay mới có động cơ tiêu thụ ít nhiên liệu hơn và đôi cánh hỗ trợ mục tiêu này. Đôi cánh sẽ nằm cao trên thân máy bay, dài hơn và ít rộng hơn so với cánh máy bay thông thường. Nó được hỗ trợ bởi một thanh giằng chạy tới từ phần thân dưới của máy bay. Thiết kế mới sẽ tạo ít lực cản hơn, trong khi cả phần cánh và phần giằng sẽ tạo lực nâng giúp máy bay hoạt động trên không.

[Quốc hội Mỹ "bật đèn xanh" cho dòng máy bay MAX 7 và MAX 10 của Boeing]

“Tính khí động học của thiết kế mới đã được nghiên cứu từ lâu," Bob Pearce, một quan chức NASA, chia sẻ với The Verge. "Nếu bạn tăng tỷ lệ giữa độ rộng và chiều cao của một chiếc cánh lên thì đương nhiên bạn sẽ giảm được lực cản do máy bay gây ra - lực cản hình thành do tác động của lực nâng. Nếu phát triển theo hướng mới, chúng ta sẽ có cấu trúc khí dodonjg học tốt hơn, ít lực cản hơn và máy bay sẽ đốt ít nhiên liệu hơn.

Thách thức lớn nhất hiện nay là tạo ra cấu trúc cần thiết cho hình dạng cánh mới, trong khi không khiến máy bay tăng quá nhiều trọng lượng. Boeing đã công bố một phiên bản ý tưởng thiết kế sử dụng khái niệm này từ năm 2019. Nhưng sẽ mất vài năm để tích hợp các công nghệ mới, và đi từ trình diễn đến việc đưa vào sử dụng thực tế.

Nhưng dự án của NASA quan trọng hơn ở chỗ chiếc máy bay mới sẽ không chỉ dừng lại trong vai trò một sản phẩm thử nghiệm. Thay vào đó, NASA muốn phát triển công nghệ có thể đưa vào sử dụng thương mại. “Dự án này nhằm mục đích cách mạng hóa loại máy bay mà công chúng sử dụng thường xuyên nhất, mỗi khi họ bay trên bầu trời,” ông Nelson nói.

NASA đặt mục tiêu sẽ cho chiếc máy bay mẫu thử nghiệm đầu tiên cất cánh vào năm 2028. Các phiên bản thương mại có thể được đưa vào sử dụng từ những năm 2030.

Hiện chưa rõ kế hoạch của NASA có liên quan gì tới kế hoạch phát triển máy bay mới của Boeing hay không. Hồi tháng 11/2022, Giám đốc điều hành (CEO) Boeing Dave Calhoun cho biết, các máy bay phản lực thương mại hoàn toàn mới thế hệ tiếp theo của hãng có thể trình làng vào giữa những năm 2030.

Mỹ hiện đặt ra các mục tiêu tham vọng trong việc cắt giảm phát thải khí nhà kính với lĩnh vực hàng không. Cụ thể, Mỹ đặt mục tiêu ngành hàng không nước này đạt được mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng 0 vào năm 2050.

Nhà Trắng đang nhắm tới việc ngành hàng không giảm 20% lượng khí thải vào năm 2030, trong bối cảnh các hãng hàng không phải đối mặt với áp lực từ nhiều tổ chức bảo vệ môi trường để giảm lượng khí thải carbon và thực hiện cam kết sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục