Nâng vận tốc tối đa trên đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái lên 120 km/giờ

Để đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong tương lai nên cao tốc Vân Đồn-Móng Cái được thay đổi về tốc độ toàn tuyến, nâng từ 100 km/giờ lên 120 km/giờ.
Nâng vận tốc tối đa trên đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái lên 120 km/giờ ảnh 1Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu thực hiện hiện nghi thức khởi công cao tốc Vân Đồn-Móng Cái hồi tháng 4/2019. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết Dự án đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái được điều chỉnh vừa nâng tốc độ khai thác, vừa được tách làm 2 dự án cao tốc độc lập.

Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái được nâng cao tốc độ khai thác toàn tuyến đường, từ vận tốc tối đa 100 km/giờ lên thành 120 km/giờ.

Đồng thời, dự án được tách làm 2 dự án độc lập, gồm: dự án đường cao tốc Vân Đồn-Tiên Yên, do tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, sử dụng ngân sách công và dự án cao tốc Tiên Yên-Móng Cái do Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Vân Đồn làm chủ đầu tư (đây là liên danh ba nhà thầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển hạ tầng Long Vân-Công ty cổ phần Mặt Trời Vân Đồn-Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Công Thành).

Dự án đường cao tốc Vân Đồn-Tiên Yên có chiều dài trên 16km, tổng mức đầu tư 3.667 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.

Tuyến đường được thiết kế 4 làn xe, vận tốc 120 km/giờ, điểm đầu tiếp giáp với đường trục chính từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn, điểm cuối tiếp giáp với Dự án đường cao tốc Tiên Yên-Móng Cái.

Dự án cao tốc Tiên Yên-Móng Cái do Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Vân Đồn làm chủ đầu tư, có cùng thiết kế 4 làn xe và vận tốc 120km/giờ. Dự kiến dự án có tổng mức đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng.

[Quảng Ninh đề xuất các phương án phát triển hạ tầng giao thông]

Hiện, cả hai dự án đang được tỉnh Quảng Ninh cũng như nhà đầu tư gấp rút hoàn tất thủ tục đầu tư để có thể khởi công ngay trong năm 2020.

Lý giải nguyên nhân sự điều chỉnh này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Tường Huy cho hay để đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong tương lai nên cao tốc Vân Đồn-Móng Cái được thay đổi về tốc độ toàn tuyến, nâng từ 100 km/giờ lên 120 km/giờ, do vậy có sự thay đổi, phát sinh thêm mức đầu tư.

Thêm vào đó, hiện nay các nhà đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư gặp nhiều khó khăn nên việc Nhà nước sử dụng ngân sách để xây dựng đường cao tốc là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm, dự án cũ Vân Đồn-Móng Cái do Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Vân Đồn làm chủ đầu tư sẽ có phương án tài chính bị âm, nên dự án không khả thi.

Trước đó, hồi tháng 4/2019, dự án cao tốc Vân Đồn-Móng Cái dài 80,2km được khởi công xây dựng. Khi đó, tuyến cao tốc này có tổng vốn đầu tư 11.195 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao (BOT), do Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Vân Đồn làm chủ đầu tư.

Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian từ Vân Đồn đi Móng Cái xuống còn gần một giờ (trước đây là hai giờ); tạo thuận lợi giao thông đường bộ từ hướng Lạng Sơn đi Móng Cái, Vân Đồn, Hạ Long, phát huy hiệu quả của Sân bay Vân Đồn. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các tour du lịch hấp dẫn đến Vân Đồn, Móng Cái và các địa phương khu vực Đông Bắc.

Mặt khác, dự án tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu đầu tư tại các địa phương có tuyến cao tốc đi qua (Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái...), kết nối Khu khai phát Đông Hưng (Trung Quốc), kết nối Trung Quốc với ASEAN.

Cùng với cao tốc Hạ Long-Hải Phòng và Hạ Long-Vân Đồn, tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái được kỳ vọng sẽ tạo thành trục cao tốc “xương sống” dọc tỉnh hoàn chỉnh với tổng chiều dài gần 200km, tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn đầu tư để phát huy thế mạnh kinh tế vùng biên, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, đẩy mạnh giao thương quốc tế qua cửa khẩu Móng Cái.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy, đến hết quý 3/2020, các địa phương có dự án đi qua phải hoàn tất việc giải phóng mặt bằng để các đơn vị thi công có thể đồng loạt triển khai các dự án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục