Nâng tỷ lệ an toàn vốn lên 10,5%: Các ngân hàng bước vào cuộc đua tăng vốn mới

Ngân hàng Nhà nước cho biết trường hợp ngân hàng thương mại không đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% sẽ không được chia cổ tức tiền mặt.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại. (Ảnh: Vietnam+)
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại. (Ảnh: Vietnam+)

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với điểm đáng chú ý là phương án nâng hệ số an toàn vốn (CAR) tối thiểu với các ngân hàng thương mại có lộ trình để đạt mức 10,5% vào năm 2033. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, CAR tối thiểu là 8% hoặc cao hơn theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.

Các chuyên gia đánh giá việc nâng hệ số CAR lên sẽ buộc các ngân hàng thương mại phải “tăng tốc” nâng vốn điều lệ lên thì mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Tại sao phải tăng vốn?

Dự thảo thông tư được xây dựng theo hướng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lên mức 10,5% (bắt đầu nâng dần từ năm 2030 và đạt mức 10,5% vào năm 2033), trong đó đảm bảo vốn cấp 1 tối thiểu 6%, vốn lõi cấp 1 là 4,5%. Tổng vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là 8%, vốn đệm bảo toàn vốn là 2,5%.

Theo Ngân hàng Nhà nước, vốn đệm bảo toàn vốn sẽ nhằm ngăn ngừa sự suy giảm của nền kinh tế. Tỷ lệ này linh hoạt trong từng thời kỳ do Ngân hàng Nhà nước quyết định với mức dao động trong khoảng 0-2,5%, tăng lên trong thời điểm thị trường tăng trưởng nóng và giảm xuống khi thị trường hoạt động trong điều kiện ổn định.

Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ trường hợp ngân hàng thương mại không đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% sẽ không được chia cổ tức tiền mặt. Trường hợp ngân hàng thương mại không đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và mức đệm bảo toàn vốn quy định trong năm tài chính ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được dùng lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ tối đa 20%-80%. Ngân hàng chỉ được dùng 100% lợi nhuận để chia cổ tức tiền mặt khi đáp ứng được tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu và vốn đệm bảo toàn vốn.

Ông Võ Quốc Khánh, Phó Tổng giám đốc tư vấn Dịch vụ tài chính-ngân hàng, Công ty EY Việt Nam cho hay, đây là quy định nhằm tuân thủ Basel III. Việc này sẽ giúp các ngân hàng có một mức đệm phòng ngừa trước khi vi phạm tỷ lệ an toàn tối thiểu và tạo điều kiện để cơ quan giám sát có đủ thời gian can thiệp trước khi sự kiện đổ vỡ thực sự xảy ra.

Theo các chuyên gia, việc bổ sung vốn đệm bảo toàn vốn sẽ giúp các ngân hàng dự trữ đủ vốn trong giai đoạn tăng trưởng nóng và bù đắp sự sụt giảm về vốn trong khủng hoảng. Một khi Ngân hàng Nhà nước bỏ cơ chế room tín dụng, quy định về bộ đệm vốn của các ngân hàng thương mại là rất quan trọng.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng việc tuân thủ Basel III sẽ khiến áp lực tăng vốn của các ngân hàng tiếp tục gia tăng thời gian tới, đặc biệt với nhóm ngân hàng Big 4. Hiện nay, quy trình, thủ tục tăng vốn của các ngân hàng Big 4 quá rườm ra, nên việc cho phép cơ chế dài hơi để các ngân hàng này được giữ lại lợi nhuận tăng vốn là rất cần thiết.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VPS, tính đến 30/6/2024, mức CAR cao nhất ngành từ 14% đến gần 16% thuộc về các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân vừa hoàn thành đợt tăng vốn lớn như VPBank, Techcombank, SeABank, HDBank, OCB. Các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước như VietinBank, BIDV có CAR gần 10%, Vietcombank đạt CAR 12%. So với cùng kỳ năm trước, chỉ 5/18 ngân hàng theo dõi ghi nhận mức CAR giảm trong khoảng 0,21%-1,01%, còn lại đều ghi nhận tăng trong khoảng 0,14% - 1,71%.

Các ngân hàng “ráo riết” tăng vốn

Cuối tháng 11 vừa qua, Quốc hội đã “chốt” chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank. Theo đó, Vietcombank sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 49,5% để tăng vốn điều lệ thêm 27.666 tỷ đồng.

Hiện vốn điều lệ hiện nay của Vietcombank là 55.891 tỷ đồng. Như vậy, sau khi phát hành tăng thêm 27.666 tỷ đồng theo phương án được Quốc hội thông qua, vốn điều lệ của Vietcombank là 83.557 tỷ đồng, mức cao nhất trong hệ thống tổ chức tín dụng hiện nay. Tiếp đến là VPBank (79.339 tỷ đồng) và Techcombank (70.450 tỷ đồng).

Trong nhóm ngân hàng quốc doanh, ngoài Vietcombank, BIDV cũng vừa công bố nghị quyết phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 21% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận 21 cổ phiếu mới). Nguồn vốn tăng thêm được trích từ lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ năm 2022.

Theo kế hoạch, ngân hàng này sẽ phát hành hơn 1,19 tỷ cổ phiếu mới, tương đương phần vốn tăng thêm hơn 11.970 tỷ đồng. Sau giao dịch, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên mức 68.975 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong tháng này hoặc quý 1/2025.

VCB_Moi truong lam viec totr nhat (2).JPG
Các ngân hàng đang “ráo riết” tăng vốn

Tại nhóm ngân hàng tư nhân, các kế hoạch tăng vốn cũng đang được rốt ráo thực hiện. HDBank cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Theo đó, HDBank sẽ phát hành 582,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ thực hiện quyền là 20%, mỗi cổ đông nắm giữ 100 cổ phiếu hiện tại sẽ được nhận thêm 20 cổ phiếu mới. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 5.825 tỷ đồng.

Tại đại hội đồng cổ đông bất thường mới đây, LPBank đã được cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 16,8%.

Ngoài các ngân hàng kể trên, một loạt ngân hàng thương mại tư nhân cũng đã công bố kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới như VietBank dự kiến tăng vốn lên 7.139 tỷ đồng; BacABank tăng vốn lên 10.538 tỷ đồng; TPBank tăng lên 26.419 tỷ đồng...

Nhiều ngân hàng cùng triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay và đầu năm sau, bảng xếp hạng vốn điều lệ ngành ngân hàng dự báo cũng có nhiều thay đổi. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ đạt 83.557 tỷ đồng, vươn lên vị trí số 1 trong hệ thống ngân hàng, vượt xa 2 ngân hàng tư nhân đang dẫn đầu là VPBank (79.339 tỷ đồng) và Techcombank (70.450 tỷ đồng).

Các chuyên gia cho rằng việc nâng CAR theo lộ trình là hợp lý và cần thiết. Dù có thể nhiều ngân hàng gặp thách thức trong việc thực hiện lộ trình, song quy định này buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh hơn chiến lược tái cơ cấu hoạt động, nâng cao năng lực quản trị để tăng vốn, có thể phải giảm tỷ lệ cho vay với các lĩnh vực có hệ số Quản trị rủi ro (RRTD) cao. Những ngân hàng chưa đủ khả năng đáp ứng yêu cầu về CAR tối thiểu có thể phải bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc thực hiện sáp nhập với ngân hàng khác.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định “đáp ứng yêu cầu về hệ số CAR” chỉ thực sự có giá trị nếu các con số tại báo cáo tài chính của ngân hàng được thực hiện trung thực. Do đó, cần nâng cao tính minh bạch và kiểm soát được chất lượng của các báo cáo tài chính của ngành ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh nợ xấu tăng cao và chưa được phản ánh đầy đủ do quy định về gia hạn nợ và cơ cấu thời hạn trả nợ vẫn còn hiệu lực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục