Nâng tầm nông sản ở các vùng chuyên canh tại Tiền Giang

Tiền Giang mời gọi đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản, đặc biệt là chế biến sâu để vừa đa dạng hóa sản phẩm vừa tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản của địa phương.
Sơ chế rau an toàn trước khi xuất bán ở Hợp tác xã nông nghiệp Phú Quới (xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây). (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa, phát triển bền vững các vùng chuyên canh trong bối cảnh thích ứng biến đổi khí hậu, tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh các biện pháp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, coi trọng cả thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Tỉnh cũng mời gọi đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản, đặc biệt là chế biến sâu để vừa đa dạng hóa sản phẩm vừa tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản của địa phương.

Tăng đầu tư chế biến

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, tỉnh đã thu hút đầu tư các dự án, như: Nhà máy sản xuất mứt, bảo quản và chế biến trái cây, rau, củ, quả Andros Asia của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất trái cây Hùng Phát tại thị xã Gò Công với vốn đầu tư 470 tỷ đồng; Dự án phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho công nghiệp chế biến nông sản của Công ty Cổ phần Rau quả Tiền Giang tại huyện Tân Phước; Nhà máy chế biến trái cây của Công ty cổ phần công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang tại huyện Chợ Gạo, vốn đầu tư là 450 tỷ đồng; Nhà máy chế biến thủy sản Gò Đàng tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, thành phố Mỹ Tho.

[Gia tăng giá trị, hình thành nhiều vùng chuyên canh ở Tiền Giang]

Tuy nhiên, ở Tiền Giang, các sản phẩm nông sản xuất khẩu thô còn nhiều. Các cơ sở chế biến nông sản chủ yếu quy mô nhỏ, phần lớn chế biến thô, giá trị gia tăng thấp. Đối với ngành hàng trái cây tại Tiền Giang đã có 14 nhà máy chế biến đang hoạt động.

Bên cạnh đó, tỉnh còn có trên 150 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến trái cây với quy mô vừa và nhỏ, song trong đó chủ yếu là các cơ sở thu mua, sơ chế phục vụ nhu cầu ăn tươi.

Vì vậy, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn, một trong những điểm nhấn về thu hút đầu tư ở Tiền Giang trong thời gian tới chính là tập trung thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp sạch, có giá trị gia tăng cao, quy mô lớn, công nghệ hiện đại, ít thâm dụng lao động; chú trọng các dự án nuôi trồng, chế biến nông sản, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại huyện Tân Phước, Châu Thành, Tân Phú Đông. Để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, tỉnh sẽ có những ưu đãi phù hợp, xây dựng liên kết vùng để tạo vùng nguyên liệu ổn định.

Theo ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, doanh nghiệp đang có kế hoạch đầu tư có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế, bảo quản, đóng gói quả tươi xuất khầu và nhà máy chế biến rau quả ngay tại vùng nguyên liệu ở xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Phát triển công nghiệp chế biến nông sản, chú trọng chế biến sâu sẽ giúp tránh được những rủi ro cho những sản phẩm có hạn bảo quản ngắn và nông sản Việt vì thế cũng sẽ được nâng tầm giá trị.

Mở rộng kênh tiêu thụ

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, song song với xây dựng vùng trồng, nâng cao chất lượng nông sản, việc tìm kiếm kênh tiêu thụ, kết nối, mở rộng thị trường được ngành nông nghiệp, công thương và các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện triển khai đồng bộ, phù hợp với từng ngành hàng.

Cụ thể, ở ngành hàng lúa gạo, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt 4 phương án cánh đồng lớn của các doanh nghiệp, hợp tác xã như: Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng, Hợp tác xã Nông nghiệp-Dịch vụ Bình Nhì, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới. Trên địa bàn tỉnh có 23 công ty, hợp tác xã, đại lý, cơ sở xay xát,... tham gia liên kết tiêu thụ lúa gạo hàng hóa.

Các xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Phú Quới ở xã Yên Luông (Gò Công Tây, Tiền Giang) chăm sóc vườn rau theo tiêu chuẩn VietGap. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê danh sách các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm sản và thủy sản trong đó có sản phẩm gạo đăng trên website của sở; cập nhật thông tin vùng trồng lên chuyên mục xúc tiến thương mại nông nghiệp và tạo điều kiện để đại diện các hợp tác xã tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại.

Còn đối với ngành hàng trái cây, thời gian qua, sản phẩm trái vú sữa Lò Rèn của Tiền Giang đã vào được thị trường Hoa Kỳ. Trái xoài cát Hòa Lộc được sử dụng trong cung ứng thực phẩm trên các chuyến bay của Hãng hàng không Vietnam Airlines đang mở ra những cơ hội lớn cho việc tiếp tục quảng bá sản phẩm trái cây đặc sản của Tiền Giang đến khách hàng trong và ngoài nước.

Tỉnh thường xuyên thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu đến các kênh phân phối lớn như các trung tâm thương mại, siêu thị: Aeon, Lottemart, Bách hóa Xanh, Familymart, các chợ đầu mối nông sản ở Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh,... Thông qua các hoạt động kết nối nhiều sản phẩm trái cây đặc sản của Tiền Giang đã thường xuyên có mặt tại hệ thống các siêu thị, chợ đầu mối ở các thành phố lớn trong cả nước.

Đối với thị trường nước ngoài, tỉnh thực hiện các ấn phẩm xúc tiến thương mại, như: Thông tin trái cây đặc sản Tiền Giang; Danh bạ doanh nghiệp Tiền Giang, với các thứ tiếng Việt, Anh, Nhật, Hàn,... qua đó hỗ trợ hiệu quả việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh đến các đối tác trong và ngoài nước.

Tiền Giang cũng quan tâm hỗ trợ thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại các mặt hàng nông sản chủ lực thông qua việc phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ chuyên ngành ở quốc tế và các hoạt động kết nối giao thương ở nước ngoài theo chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh  xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương.”

Tỉnh đã hỗ trợ Công ty Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường và Hợp tác xã Thanh long Mỹ Tịnh An tham gia hội chợ tại Madrid, Tây Ban Nha.

Sau đó 2 doanh nghiệp này đã xuất khẩu thành công sản phẩm thanh long của Tiền Giang sang thị trường châu Âu và một số nước Trung Đông.

Với ngành hàng rau, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có trên 100 cơ sở thu mua, kinh doanh rau;trên 20 hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và cung ứng rau an toàn; trong đó, nhiều cơ sở, hợp tác xã hoặc tổ hợp tác ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thường xuyên với lượng rau từ 2-6 tấn/ngày mỗi cơ sở; cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh.

Theo ông Võ Minh Luân, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ Phú Quới (huyện Gò Công Tây), việc thực hiện liên kết chuỗi trong sản xuất - sơ chế và tiêu thụ nông sản là mấu chốt để kết nối cung - cầu, đảm bảo thị trường tiêu thụ. Hiện hợp tác xã đã ký hợp đồng trực tiếp với một số siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày sơ chế, đóng gói và cung ứng trên 3 tấn rau, củ quả các loại, mang thương hiệu rau Gò Công Đông đến với người tiêu dùng. Các thành viên của hợp tác xã chỉ tập trung vào khâu sản xuất đảm bảo chất lượng nông sản, không phải lo về đầu ra hay giá cả sản phẩm bấp bênh. 

Còn Giám đốc Hợp tác xã Thiên Phúc (xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo) Nguyễn Mạnh Tường chia sẻ, Hợp tác xã đang liên kết tiêu thụ sản phẩm với 3 doanh nghiệp trong cung ứng trái thanh long phục vụ chế biến. Hợp tác xã cũng tập trung phát triển, đưa ra thị trường sản phẩm mứt, si rô thanh long cho thị trường trong nước, sản phẩm bột thanh long và thanh long sấy sẽ tập trung cho thị trường nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục