Du thuyền hoạt động trên vùng vịnh Hạ Long. (Ảnh: Lux Group/Vietnam+)

Nâng tầm Di sản vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà: Cần sớm xóa bỏ “ngăn sông cấm chợ”

Để nâng tầm và lan tỏa thương hiệu điểm đến Di sản thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, các chuyên gia cho rằng trước hết việc cần làm ngay là xóa bỏ “ngăn sông cấm chợ,” thống nhất quản lý.

Mặc dù vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà là một quần thể, song nơi đây nhiều năm qua lại tồn tại ranh giới quản lý giữa hai địa phương Quảng Ninh và Hải Phòng, gây khó cho hoạt động du lịch tàu biển và du khách. Câu chuyện tưởng chừng “biết rồi, nói mãi” nhưng tới nay vẫn chưa có hồi kết.

Để “phá băng” nghịch lý này, giúp vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà sớm “liền một dải,” không còn tính cục bộ, phát huy giá trị của Di sản Thế giới, các chuyên gia một lần nữa khẳng định giải pháp căn cơ chính là xóa bỏ “ngăn sông cấm chợ,” thống nhất về quản lý – một bất cập đã tồn tại hơn chục năm trong lòng di sản.

Cùng đặt lên “bàn cân”…

CEO Lux Group, thành viên Hiệp hội tàu du lịch Lan Hạ, ông Phạm Hà, chủ một doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch ngủ đêm trên quần thể di sản cho biết đã buộc phải sử dụng cùng lúc hai du thuyền ở cả vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ chỉ vì câu chuyện “chưa thông” giữa đôi bên. “Nút thắt” này dẫn đến hành trình của khách lòng vòng, mất thời gian khi phải trung chuyển nếu muốn tham quan cả hai vịnh.

Theo vị này, nghịch lý đã tồn tại hơn 10 năm qua, gây khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động, chưa kể tình trạng ô nhiễm, rác thải trên di sản chưa được xử lý dứt điểm. “Thay vì tư duy cục bộ địa phương, mong Quảng Ninh - Hải Phòng có sự quản lý đồng nhất, đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu để nâng tầm di sản. Qua đó, hấp dẫn khách du lịch lựa chọn đến Việt Nam thay vì quốc gia khác,” ông Hà chia sẻ.

Du khách trải nghiệm dịch vụ du thuyền cao cấp trong lòng di sản vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Một số hội viên Hội Du thuyền Lan Hạ cho biết tàu chở khách của họ nhiều lần bị làm khó vì lỡ “vượt ranh giới” hai vịnh. Đến nay, tàu du lịch muốn đi từ vịnh Hạ Long sang vịnh Lan Hạ, hoặc ngược lại vẫn phải chờ sự chấp thuận của các cơ quan chức năng hai địa phương Quảng Ninh và Hải Phòng. Ngoài ra, giá vé tham quan ở hai bên cũng đang có sự khác biệt; trong khi du khách có thể tắm ở bất kỳ bãi cát nào trong vịnh Lan Hạ thì vịnh Hạ Long chỉ cho phép khách tắm ở một bãi duy nhất…

Rõ ràng cái “bắt tay” hợp tác giữa Hải Phòng và Quảng Ninh nhằm khắc phục tính cục bộ sẽ làm nâng cao giá trị di sản của Vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà lên nhiều. Quan điểm này cũng được Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn đưa ra tại hội nghị tổng kết vừa được tổ chức ở Hải Phòng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn đánh giá việc UNESCO công nhận vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản thế giới vào tháng 9/2023 đã mở ra nhiều cơ hội cho phát triển du lịch Hải Phòng - Quảng Ninh, đặc biệt trong xây dựng thương hiệu du lịch quốc tế.

Cơ hội là vậy, nhưng nếu đặt lên “bàn cân” có thể thấy Hải Phòng đang có phần lép vế hơn “hàng xóm.” Bởi trong khi vịnh Hạ Long đã có hệ thống quản lý, dịch vụ ổn định và chuyên nghiệp từ lâu, thì sản phẩm du lịch biển của Cát Bà vẫn còn mờ nhạt, gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh với Quảng Ninh và và các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung.

Các chuyên gia chỉ rõ đảo Cát Bà hiện đang thiếu cơ sở lưu trú cao cấp, khi chỉ có hai khách sạn 5 sao. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, các chuyên gia chỉ rõ đảo Cát Bà cũng thiếu các cơ sở lưu trú cao cấp, khi chỉ có hai khách sạn 5 sao. Đặc biệt, tình trạng ùn tắc cục bộ tại bến phà Gót vào những dịp cao điểm vẫn chưa được giải quyết; bến tàu cao tốc mới tại cảng Hồng Bàng (thay bến Bính) nằm ở vị trí xa trung tâm, gây bất tiện cho du khách.

Hải Phòng cũng chưa có bến tàu chuyên dụng phục vụ loại hình du lịch tàu biển, du thuyền hay tàu du lịch trọng tải lớn; nhân lực du lịch chuyên nghiệp cả ở cơ quan quản lý và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch còn thiếu và yếu.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng tư duy cục bộ địa phương có thể ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến phát huy giá trị di sản. Vì thế ông nhấn mạnh: “Việc hợp tác, liên kết chặt chẽ và thực chất phải được coi là giải pháp hàng đầu nhằm khắc phục tính cát cứ, cục bộ đồng thời giúp khai thác và phát huy hiệu quả giá trị di sản vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, nâng giá trị quần thể di sản lên gấp hai, thậm chí gấp 10 lần hiện nay.”

Xóa “ngăn sông cấm chợ” để nâng tầm di sản

Không chỉ các chuyên gia, doanh nghiệp mà nhiều du khách cũng bày tỏ mong muốn hai địa phương có thể sớm hợp tác, xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước đối với hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch, thời gian tham quan, vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ để hoạt động giữa hai vịnh được thông suốt.

Du khách tham gia hoạt động trải nghiệm chèo thuyền kayak trong lòng di sản. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Tổng giám đốc, Chủ đầu tư Du thuyền Indochine Premium, bà Lê Phương Nhi cho rằng chính quyền hai địa phương cần ngồi lại để xây dựng điểm đến chung nhằm thu hút du khách. Theo bà Lê Phương Nhi, cái “bắt tay” giữa hai địa phương là phải để mang đến lợi chung, để dịch vụ chỉn chu hơn, vịnh sạch đẹp hơn, tổ chức hoạt động quy củ hơn và mục tiêu cuối cùng là khách có thể đến trải nghiệm và chi tiền nhiều nhất. Khách hàng đến Việt Nam chọn điểm đến là Việt Nam chứ không chỉ chọn riêng vịnh Hạ Long hay Cát Bà.

Trước phương thức quản lý, khai thác du lịch đang dần trở nên lỗi thời, ông Phạm Hà cho rằng cần sớm thay đổi bắt kịp với thời đại công nghệ. CEO này kiến nghị cơ quan quản lý sử dụng hệ thống định vị để thu phí các tàu hoạt động trên vịnh. Cách này xác định chính xác tàu dừng cho khách tham quan chỗ nào.

“Hệ thống định vị giúp quản lý chính xác và thông suốt giữa các vịnh, để du khách khi tham quan vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ không phải đi ba hành trình khác nhau, ba du thuyền khác nhau. Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát hành trình qua GPS một cách dễ dàng,” ông Phạm Hà đề xuất.

Thực tế, từ năm 2021, đoàn công tác thành phố Hải Phòng đã làm việc với tỉnh Quảng Ninh về hoạt động du lịch giữa hai địa phương. Đến tháng 1/2024, một cuộc họp triển khai Quyết định của Ủy ban Di sản thế giới tại kỳ họp lần thứ 45 đối với nội dung hiện trạng bảo tồn vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, ông Lê Khắc Nam khẳng định việc hợp tác chặt chẽ để quản lý, khai thác di sản chung là điều chắc chắn phải làm và cho biết thời gian tới, hai địa phương sẽ tiếp tục bàn bạc, thống nhất các vấn đề chung như tour tham quan, kênh tiếp nhận thông tin và biện pháp bảo vệ để đề xuất, tham mưu Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch giao triển khai thực hiện.

Trong khi đó, để nâng tầm và lan tỏa thương hiệu điểm đến Di sản thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, ông Nguyễn Anh Tuấn gợi ý hai địa phương cần chủ động tiếp cận UNESCO để đăng cai tổ chức các hội nghị, hội thảo về phát triển du lịch tại các Di sản Thiên nhiên thế giới, Khu dự trữ sinh quyển thế giới./.

Di sản thế giới vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà là di sản liên tỉnh duy nhất ở Việt Nam bao gồm: vịnh Hạ Long thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh có diện tích 43.400 ha, 775 hòn đảo; quần đảo Cát Bà thuộc huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng có 367 hòn đảo nằm trên diện tích rộng khoảng 300 km2, giữa vịnh Bắc Bộ.

Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào tháng 9/2023, bởi nơi đây chứa đựng các khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên bao gồm các đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ, và các đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển, cùng với các đặc điểm karst (núi đá vôi) liên quan như các mái vòm và hang động.

Theo UNESCO, vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà được xem là bảo tàng địa chất, chứa đựng những di sản với giá trị nổi bật toàn cầu, nơi chứng kiến những thay đổi đặc trưng trong lịch sử phát triển của Trái Đất.

Du khách trải nghiệm ẩm thực ở du thuyền ngủ đêm trên vịnh. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục