Năng suất lao động thấp: Phải nhìn vào thực tế, không tô hồng con số

Năng suất lao động thấp, đây là con số đáng lưu tâm nhưng chủ trương của Chính Phủ là cần nhìn vào thực tế, không tô hồng con số, làm được đến đâu báo cáo đến đó, tránh việc nói quá.
Người lao động đang tìm việc theo nhu cầu nhà tuyển dụng (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực ASEAN. Đây là  con số được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và đầu tư) thực hiện theo đúng thông lệ quốc tế và của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Chủ trương của Chính Phủ là cần nhìn vào thực tế, không tô hồng con số, làm được đến đâu báo cáo đến đó.

Đó là ý kiến của Bộ trưởng Văn Phòng Chính Phủ Nguyễn Văn Nên tại buổi họp báo thường kỳ do Văn phòng Chính Phủ tổ chức chiều 30/9 tại Hà Nội.

Thông tin thêm nội dung này tại cuộc họp báo, theo lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năng suất lao động của một quốc gia được ILO tính theo công thức: lấy tổng thu nhập quốc nội chia cho số lao động làm việc.


[ILO lý giải năng suất lao động Việt Nam ở nhóm kém nhất khu vực]

Từ công thức trên lãnh đạo Bộ Lao động, thương binh và Xã hội cho rằng, Việt Nam là 1 trong 3 nước có năng suất lao động thấp nhất ASEAN (chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia).

Chỉ ra nguyên nhân, theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đó là tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn cao; công nghiệp phần lớn làm gia công, ít công nghệ cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp còn thấp.

"Người Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc năng suất cũng không thua gì so với lao động Hàn Quốc. Muốn hay không với trình độ như hiện nay thì phải thừa nhận chúng ta vẫn chưa đi vào đầu tư chiều sâu," thứ trưởng nói.

Trước đó, trong phiên họp thường kỳ tháng Chín của Chính Phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh đã nhấn mạnh, muốn tăng năng suất lao động trước hết cần tái cơ cấu, tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao.

Bên cạnh đó, Chính Phủ cần khuyến khích, tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ thông qua chính sách ưu đãi cụ thể về thuế và tín dụng. Hơn nữa, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ nhân viên văn phòng đến lao động kỹ thuật, lao động phổ thông.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ họp, đề xuất với Chính phủ về một nghị quyết nhằm cải thiện, nâng cao năng suất lao động tương tự Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục