Năng suất lao động của nước Anh xếp dưới cùng trong nhóm G7

Khi thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với vai trò ngày càng tăng của công nghệ robot và tự động hóa, Anh vẫn đứng cuối bảng về năng suất lao động trong nhóm G7.
Phố Oxford, trung tâm thủ đô London. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) vừa kêu gọi chính phủ nước này ưu tiên xây dựng một chiến lược công nghiệp mới cho giai đoạn hậu Brexit nhằm đảm bảo nước Anh có được vị thế cạnh tranh hàng đầu thế giới trong kỷ nguyên tự động hóa và toàn cầu hóa, trong bối cảnh năng suất lao động tại Anh vẫn xếp dưới cùng trong nhóm những nền kinh tế phát triển.

Theo phóng viên TTXVN tại London, kết quả khảo sát được CBI công bố tại Hội nghị hàng năm 2017 tổ chức ở thủ đô London ngày 6/11 cho thấy, 82% trong số hơn 400 doanh nghiệp Anh được hỏi cho rằng chính phủ Xứ sở sương mù cần xây dựng một chiến lược công nghiệp tương lai tập trung nhiều hơn vào con người, cơ sở hạ tầng và sáng tạo.

89% số doanh nghiệp được CBI khảo sát cho rằng một chiến lược công nghiệp hiện đại là nền tảng đặc biệt quan trọng cho việc nâng cao mức sống và khả năng cạnh tranh của kinh tế Anh đến năm 2030.

Theo Tổng giám đốc CBI, bà Carolyn Fairbairn, tầm quan trọng của chiến lược này xuất phát từ ảnh hưởng của nó đối với vấn đề năng suất lao động mà nước Anh đang gặp phải.

Theo bà Fairbairn, trong khi thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với vai trò ngày càng tăng của công nghệ robot và tự động hóa, Anh vẫn đứng cuối bảng về năng suất lao động trong nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7).

Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh, năng suất lao động tại Anh thấp hơn 22% so với Mỹ và Pháp, và thấp hơn Đức 27%. Năng suất lao động thấp là lý do chính dẫn tới tình trạng chênh lệch về thu nhập và mức sống tại Anh, với việc thu nhập của người lao động không được cải thiện, trong khi chi phí sinh hoạt đã tăng vọt.

Các doanh nghiệp Anh cũng cho rằng chính phủ nước này cần “rút kinh nghiệm từ những sai lầm lịch sử” và xây dựng sự đồng thuận giữa các đảng phái về chiến lược công nghiệp trong tương lai hậu Brexit.

CBI đề xuất thành lập một cơ quan chính phủ độc lập về chiến lược công nghiệp, tương tự như Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách nhằm bảo đảm tính liên tục của việc triển khai chiến lược công nghiệp, ưu tiên những mục tiêu phát triển dài hạn, ngay cả khi có sự thay đổi trong chính phủ do đảng Bảo thủ hay Công đảng lãnh đạo.

Phát biểu tại hội nghị này, Chủ tịch CBI Paul Drechsler kêu gọi Chính phủ Anh và Liên minh châu Âu (EU) sớm đạt được một thỏa thuận Brexit tốt nhất có thể, trong đó mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp Anh là “sự minh bạch và rõ ràng” về các thỏa thuận chuyển tiếp.

CBI cảnh báo, nếu Chính phủ Anh và EU không đạt được một thỏa thuận chuyển tiếp vào tháng 3/2018, khoảng 60% doanh nghiệp tại Anh sẽ phải triển khai kế hoạch đối phó với Brexit, với việc bắt đầu chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi Xứ sở sương mù hoặc giảm nhịp độ tuyển lao động tại đây.

Hiện đã có khoảng 10% các doanh nghiệp Anh triển khai kế hoạch nói trên do lo ngại kịch bản không đạt được thỏa thuận Brexit.

Đáp lại kêu gọi của các doanh nghiệp, trong phát biểu của mình tại Hội nghị, Thủ tướng Anh Theresa May đã công bố những nét chính trong Sách trắng về Chiến lược Công nghiệp của Anh, trong đó tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy các chính sách kinh tế thị trường tự do với vai trò giám sát và điều phối từ phía Chính phủ trong mối quan hệ “đối tác chiến lược và dài hạn” với doanh nghiệp.

Trong Chiến lược Công nghiệp mới - dự kiến công bố vào cuối tháng 11 - Chính phủ Anh cam kết đóng vai trò lớn hơn trong việc định hướng đầu tư ngân sách cho giáo dục và phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung vào các mục tiêu dài hạn và hỗ trợ doanh nghiệp.

[Anh đào tạo lại 1 triệu người để phục vụ cho cách mạng 4.0]

Thủ tướng May nhắc lại cam kết từ sau năm 2021 sẽ tăng ngân sách chính phủ thêm 2 tỷ bảng/năm cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh về công nghệ của Anh.

Các doanh nghiệp Anh được kêu gọi tham gia cùng Chính phủ đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học và công nghệ. Theo thống kê, với mỗi 1 bảng ngân sách đầu tư cho R&D từ chính phủ, mức đầu tư tương ứng của các doanh nghiệp Anh mới chỉ là 1,7 bảng, trong khi con số này từ các doanh nghiệp Đức và Mỹ lần lượt là 2,4 bảng và 2,7 bảng.

Thủ tướng Anh bày tỏ tin tưởng rằng với những khuôn khổ giám sát đúng đắn, sự đầu tư thích đáng cho cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực tay nghề cao trong kỷ nguyên tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, Chính phủ và doanh nghiệp Anh có thể hợp tác xây dựng một nền kinh tế có nền tảng đa dạng, cân bằng hơn và đưa nước Anh trở thành một “nhà lãnh đạo toàn cầu” thực sự.

Bà May cũng trấn an các doanh nghiệp về tiến triển của đàm phán Brexit, với những định hướng về tương lai quan hệ thương mại với EU được xem là một phần quan trọng trong Chiến lược Công nghiệp mới. Bà khẳng định đang nỗ lực đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận tốt nhất với EU về Brexit, với ưu tiên cao nhất là giúp các doanh nghiệp Anh tiếp tục được hưởng những điều kiện thuận lợi từ thị trường chung và liên minh hải quan của EU.

Tuy nhiên, Thủ tướng May cũng nhấn mạnh, tương lai của Anh không chỉ phụ thuộc vào việc xây dựng mối quan hệ mới với EU mà còn với các quốc gia khác ngoài châu Âu thông qua các đàm phán thương mại mà nước Anh đang thực hiện trên toàn thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục