Nâng Pháp lệnh quân nhân chuyên nghiệp quốc phòng thành Luật

Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết nâng Pháp lệnh quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng lên thành Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 41, sáng 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.

Tờ trình dự án luật nêu rõ: Luật Nghĩa vụ quân sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng được ban hành trong thời gian qua đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, góp phần xây dựng Quân đội Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển về mọi mặt của đất nước và nhiệm vụ xây dựng Quân đội Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; trong đó, xây dựng một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại và có lực lượng thường trực hợp lý để làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đến quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, một số quy định không còn phù hợp thực tiễn, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng Quân đội.

Việc xác định đúng vị trí, chức năng của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng có vai trò quan trọng làm cơ sở để góp phần xây dựng Quân đội Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; đồng thời làm cơ sở hoạch định chế độ, chính sách cho các đối tượng này phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội là ngành lao động đặc biệt.

Hơn nữa, Hiến pháp 2013 có nhiều quy định mới liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân, trong đó có quyền, nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng cần phải được cụ thể hóa... Đây là những lý do cho thấy việc xây dựng dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng là cần thiết.

Dự thảo Luật gồm có 6 chương, 46 điều.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết nâng Pháp lệnh quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng lên thành Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng. Việc ban hành Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng để phù hợp với Hiến pháp về thẩm quyền của Quốc hội quy định hệ thống hàm cấp của quân nhân chuyên nghiệp, quyền và nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của các luật khác, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, góp phần xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Có ý kiến cho rằng trong quá trình xây dựng, chỉnh lý dự án Luật cần quan tâm khắc phục những hạn chế, tồn tại về địa vị pháp lý, chế độ, chính sách cũng như trong quản lý, sử dụng quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; đồng thời phải gắn với yêu cầu đổi mới chế độ quản lý, hệ thống chính sách và cải cách hành chính, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao để nâng cao chất lượng đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng và phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước đối với người lao động trong doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.

Đánh giá dự thảo Luật về cơ bản đã xác định rõ vị trí, chức năng của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, tuy nhiên, có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng không phải là quân nhân nhưng thuộc tổ chức, biên chế Quân đội Nhân dân đã hợp lý chưa và thể hiện lại cho phù hợp với tổ chức, biên chế của quân đội và Bộ Quốc phòng; có ý kiến đề nghị gộp 3 điều này thành một điều và quy định thành 3 khoản riêng cho từng đối tượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành với việc nâng pháp lệnh quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng lên thành Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.

Nhấn mạnh viên chức quốc phòng cũng phải tuân thủ các quy định như đối với viên chức Nhà nước, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tính đến những yếu tố đặc thù cho lực lượng viên chức quốc phòng và phù hợp với những quy định chung.

Nhận định vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo cần quan tâm, tính thêm các phương án để thu hút mạnh hơn đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học bằng những chế độ ưu đãi đối với lực lượng này...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến cụ thể về hạn tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp; cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp; chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng...

Chiều nay, theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Đoàn giám sát báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược (trọng tâm là các địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục