Cơ quan giám sát khí quyển của châu Âu (Copernicus) ngày 19/7 cảnh báo nắng nóng tại châu lục này đang gây ô nhiễm tầng ozone nhiều đến mức gây hại cho con người, đồng thời cho biết thêm rằng các khu vực rộng lớn ở Tây Âu cũng đang phải đối mặt với nguy cơ cháy rừng rất cao.
Thông báo của Copernicus cho biết: “Các điều kiện khí hậu khô dễ cháy và nắng nóng cực điểm đang làm gia tăng nguy cơ cháy rừng.” Bộ phận quản lý tình trạng khẩn cấp của Copernicus cảnh báo một phần lớn Tây Âu đang ở mức “nguy cơ cháy cao,” một số khu vực ở mức “nguy cơ cháy rất cao.”
Theo Copernicus, đợt nóng này cũng khiến chỉ số ozone mặt đất tăng cao. Khác với ozone ở tầng trung lưu của khí quyển có tác dụng bảo vệ Trái Đất, ozone mặt đất là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính chủ yếu và là thành phần trong khói mù ở đô thị, có hại cho sức khỏe con người cũng như khiến cây cối không thể quang hợp.
Nhà khoa học cấp cao của Copernicus, ông Mark Parrington cho biết: “Các tác động tiềm ẩn của tình trạng ô nhiễm ozone cao đối với sức khỏe con người có thể là rất lớn, gây bệnh về hô hấp và tim mạch.” Theo ông, chỉ số ozone mặt đất cao có thể gây đau họng, ho, đau đầu và làm tăng nguy cơ hen suyễn.
[Nắng nóng khắc nghiệt tại Tây Âu, nhiệt độ lên cao chưa từng thấy]
Ozone được tạo ra khi khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và các loại phản ứng của các chất gây ô nhiễm mà con người tạo ra khi có ánh sáng Mặt Trời. Vì vậy, Copernicus cho biết giảm khí thải từ các tác nhân gây ô nhiễm này “đóng vai trò quan trọng.”
Các nhà khoa học đã phát hiện “mức độ ô nhiễm ozone mặt đất rất cao” ở Tây và Nam Âu, đặc biệt trên bán đảo Iberia và nhiều nơi ở miền Bắc Italy. Theo Copernicus, chỉ số ozone mặt đất cao nhất trong ngày, thường đạt đỉnh vào giữa ngày, đã lên đến mức gây hại cho sức khỏe tại Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy.
Các nhà khoa học cảnh báo trong khi tình hình có thể sẽ bớt nghiêm trọng hơn ở bán đảo Iberia, chỉ số ozone mặt đất rất cao đang được ghi nhận ở nhiều nơi thuộc Bắc và Tây Âu khi nhiệt độ tăng lên. Nồng độ ozone tại các khu vực này được dự báo đạt đỉnh trong vài ngày tới, trước khi có thể giảm bớt.
Copernicus cho biết tổng lượng khí thải CO2 từ các vụ cháy rừng tại Tây Ban Nha trong tháng Bảy đã ở mức cao nhất kể từ năm 2003. Về phần mình, Liên minh Khí hậu và không khí sạch (CCAC) ước tính ô nhiễm ozone gây khoảng 1 triệu ca tử vong mỗi năm.
Bên cạnh đó, ozone cũng đặt ra mỗi lo ngại lớn đối với các vùng nông nghiệp và an ninh lương thực. Trong tháng 1/2022, các nhà nghiên cứu ước tính mức độ ô nhiễm ozone liên tục cao tại châu Á đã khiến Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc thiệt hại khoảng 63 tỷ USD mỗi năm vì mất mùa lúa gạo, lúa mỳ và ngô./.