Hoa héo, người héo hơn

Nắng nóng ở Hà Nội: Hoa héo, người còn héo hơn

Vườn hoa cháy sém, bị dân buôn ép giá là tình cảnh héo hắt mà người trồng hoa Hà Nội đang gặp phải vì tình trạng nắng nóng kéo dài.
Vườn hoa cháy sém, bông bé, cành quắt queo, còi cọc, bị dân buôn ép giá, tiền thu về chẳng bõ công chăm là tình cảnh héo hắt mà người trồng hoa Hà Nội đang gặp phải vì nắng nóng kéo dài.

Thiệt hại 70-80%


10 giờ sáng một ngày đầu tháng Bảy, trên các cánh đồng hoa ở làng Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội, nắng rát mặt.

Chị Lộc và chị Quyên, nhà ở thôn 1 của làng hoa Tây Tựu vừa xong lượt tưới nước thứ hai trong ngày, đang xót xa nhìn vườn hoa héo hắt trong nắng dữ, bông quắt đường bông, lá queo đường lá.

Gia đình chị Lộc có 4 sào đất vừa trồng hoa cúc vừa kết hợp trồng rau mùi. So với hàng trăm hộ dân khác, vườn hoa nhà chị Lộc và chị Quyên vẫn còn may mắn hơn nhiều vì ở cạnh một hồ nước.

Sáng quảy thùng tưới một lượt, gần trưa làm một lượt nữa rồi mới yên tâm về nhà. Chiều muộn lại ra ruộng tưới.

"Nhiều nhà, nước chả có mà tưới, hoa chết khô chết héo hết," chị Lộc thở dài.

Bà con nông dân đứt ruột nhìn ruộng, xót hoa thì tưới nước nhưng càng tưới thì hoa càng héo. Không biết cách nào khác để cứu hoa, họ chỉ còn biết khấn trời.

Người dân trồng đào, quất ở phường Quảng An, Tứ Liên và Nhật Tân những ngày này cũng chung số phận. Vườn đào vườn quất cũng khát nước. Những loại hoa trồng xen thì quắt queo.

Chị Trần Thị Nhuận, cụm 1, tổ 2, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ cho biết: "Cũng may vườn gần ngay bãi sông Hồng nên không khan nước. Nhà nào cũng đào một giếng khoan. Ngặt nỗi, điện yếu nên khâu tưới tắm cho vườn cũng chật vật. Có nhà trực từ đêm mà vẫn không có nước tưới. Khác với người dân Quảng An, Nhật Tân, Tứ Liên, điện và nước ở Tây Tựu không quá khó khăn. Nhưng tưới nước không lại với nắng trời. Hoa hồng và hoa cúc, hoa ly là những loại hoa chủ lực của làng này. Hiện nay, hồng bị thiệt hại nặng nhất."

Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tây Tựu cho biết cả xã có ba thôn với tổng 334ha đất trồng hoa. Đến nay, nắng nóng đã làm thiệt hại tới 70-80% diện tích. Hoa ra mầm nào, cháy khô mầm đó.

Không chỉ hoa, các loại rau ăn lá như mùi, xà lách của các hộ dân cũng ngắc ngoải vì nắng. Các luống rau mùi nhà chị Lộc mặc dù được che lưới, được đều đặn "tiếp nước" 3 lần mỗi ngày nhưng cũng không lớn nổi. Cây nào cây nấy chỉ cao vài cm, lá không chịu nhú. Hai luống xà lách của nhà chị Quyên, lá bị sém lẹm.

Giá cao cũng khóc


Bà Lan cho biết thêm: "Giá hoa hồng cắt tại ruộng hiện nay là 1.000 đồng/bông. Như thế là cao hơn rất nhiều so với bình thường chỉ (200-500 đồng). Giá thì có cao nhưng người nông dân cũng không có hoa để bán."

Nhà chị Lộc trồng hoa cúc, bông bé, lá còi. Hoa không đẹp nhưng vì khó là khó chung, cúc vẫn bán được hơn 1.000 đồng/cành.

Trông vào mấy luống cúc còi cọc, lơ thơ hoa, chị Lộc bảo: "Chỉ cần có hoa, gọi điện báo là dân buôn về cắt liền chứ chẳng chờ đến lượt phải ra chợ. Nhưng dạo này, hoa chẳng có mà kêu người ta đến cắt. Những nhà bán được giá cũng thở dài. Cao hơn được vài giá đấy, nhưng chẳng bõ công chăm."

Vừa gạt mồ hôi, chị Lộc vừa đưa mắt ngó chín luống rau mùi đang được che lưới, nói: "Hoa héo đường hoa, rau chết đường rau. Xót thì tưới. Ngày thường tôi cứ đều đặn tưới 2 lần sáng và tối. Ngày nắng nỏ như thế này phải tưới thêm một lượt quãng gần trưa. Vừa mới tưới xong, đất đã háo nước ngay. Chút nước còn đọng lại thành từng vũng nhỏ trên mặt đất, chạm chân vào là bỏng rát."

Chị Nhuận than thở do hoa xấu nên dân buôn ép giá. Nếu là hoa hồng, cả bó hoa 50 bông, có khi chỉ được khoảng 30-35 bông đẹp. Bó 50-100 bông thì được 20.000 đồng, có khi ế chỉ khoảng 7.000-8.000 đồng.

Còn với hoa vàng anh, bình thường nếu đẹp thì mớ hoa cũng bán được 4.000-5.000 đồng/mớ (mỗi mớ bằng nắm tay) nhưng mấy hôm nắng đi chợ, bị chê xấu, chị Nhuận chỉ bán được 2.000 đồng.

Cứ mỗi tuần, chị cắt hoa 2 hoặc 3 lần. Hôm nào đắt hàng thì may ra được 100.000 đồng. Còn lại, trung bình, một buổi đi chợ, chị chỉ được 30.000-40.000 đồng./.

Mạnh Minh (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục