Nắng nóng làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Tình hình nắng hạn kéo dài đã làm suy giảm sức đề kháng của đàn gia súc, gia cầm và động vật thủy sản dẫn tới dịch bệnh xuất hiện và có chiều hướng lây lan.
Nhân viên thú y tiêm vắcxin phòng chống dịch cúm gia cầm cho các trang trại nuôi. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện tượng nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra tại một số địa phương gây thiệt hại đáng kể cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là với các hộ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Tình hình nắng hạn kéo dài đã làm suy giảm sức đề kháng của đàn gia súc, gia cầm và động vật thủy sản dẫn tới dịch bệnh xuất hiện và có chiều hướng lây lan.

Cụ thể, tại Bình Định, từ đầu năm đến nay tình hình nắng nóng gay gắt, khô hạn kéo dài đã và đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Phần lớn diện tích đồng cỏ và bãi chăn thả trâu bò bị khô cháy đã tác động xấu đến sự sinh trưởng và phát triển của đàn vật nuôi của tỉnh, nhất là các huyện phía Bắc và phía Tây của tỉnh.

Tình hình nắng nóng đã làm cho 37% tổng đàn trâu bò và 69% tổng đàn lợn của tỉnh bị thiếu nước uống, thiếu nước vệ sinh chuồng trại, 37 con bê, nghé bị chết do nắng nóng, suy kiệt cơ thể.

Các gia trại, trang trại chăn nuôi lợn thịt, bò thịt phải xuất bán sớm trong giai đoạn gia súc đang phát triển và bỏ trống chuồng, không tiếp tục tái đàn.

Diện tích hồ nuôi tôm của tỉnh bị bệnh lên đến gần 84ha, trong đó bệnh đốm trắng là 19,08ha, môi trường 47,2ha, bệnh hoại tử gan tụy là 17,63ha. Môi trường nuôi bị ô nhiễm, một số hồ nuôi bỏ trắng do không đảm bảo nguồn nước. Ước tình thiệt hại khoảng 7,5 tỷ đồng.

Hạn hán khiến đồng khô cằn, thiếu nước uống và thức ăn cho đàn gia súc ở Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, tình hình hạn hán kéo dài trên địa bàn tỉnh đã gây ảnh hưởng rất nặng nề đến ngành chăn nuôi. Đây là một trong những yếu tố bất lợi trong chăn nuôi, làm suy giảm nghiêm trọng sức đề kháng của đàn vật nuôi.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo cấp bách phòng chống dịch gia súc gia cầm theo quy định. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở gia súc và gia cầm đang có nguy cơ bùng phát trên địa bàn do đặc điểm tình hình dịch bệnh và điều kiện thời tiết biến đổi thất thường.

Căn cứ vào tình hình thực tế và để giúp hai tỉnh trên khắc phục khó khăn, phòng chống dịch bệnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất không thu tiền vắcxin và hóa chất dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương.

Cụ thể, xuất cấp cho tỉnh Quảng Ngãi nhận 10.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid và 100.000 liều vắcxin dịch tả lợn. Tỉnh Bình Định nhận 15 tấn hóa chất Sodium Chlorite 20%, 15 tấn hóa chất Chlorine 65% min, 10.000 lít hóa chất Benkocid, 100.000 liều vắcxin dịch tả lợn và 150 liều vắcxin lở mồm long móng type ).

Ngoài ra, trước đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ (ngày 11/7) Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cũng vừa yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân An thực hiện xuất dự trữ quốc gia không thu tiền 115 tấn hóa chất sát trùng Chlorine 65% min hỗ trợ ba tỉnh. Bao gồm, tỉnh Trà Vinh 70 tấn, tỉnh Long An nhận 25 tấn, tỉnh Thái Bình 20 tấn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục