Các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi có thể thu về hơn 700 tỷ USD nếu đạt được mục tiêu về tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo như các nước này đã đề ra.
Phát biểu trước báo giới ngày 3/4 bên lề Hội thảo về Năng lượng tái tạo tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) lần thứ 6, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) Adnan Amin cho biết hầu hết mỗi quốc gia trong khu vực MENA đều đặt mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo từ 5-15% trước năm 2030. Nếu đạt được, khu vực này sẽ giúp ngành điện lực thu về "lợi tức ròng" khoảng 750 tỷ USD.
Cũng theo Giám đốc IRENA, thế giới đang nỗ lực tăng gấp đôi mức sử dụng năng lượng tái tạo hiện chiếm ở mức 16-17% trong tổng mức tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu trước năm 2030.
Ông Amin cho rằng mục tiêu này sẽ giúp cắt giảm một nửa lượng phát thải khí CO2 vào khí quyển - một điều kiện tiên quyết để giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức 2 độ C theo kết quả Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Paris (Pháp) năm ngoái.
Ông Amin cũng viện dẫn những tín hiệu tích cực liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo, theo đó đầu tư toàn cầu cho năng lượng sạch trong năm ngoái đã tăng thêm 22% lên mức kỷ lục 330 tỷ USD.
Ngoài ra, chi phí sản xuất các loại hình năng lượng này cũng giảm một cách đáng kể trong vài năm qua. Cụ thể, trong vòng 5 năm qua, chi phí phát triển thế hệ năng lượng Mặt Trời đã giảm 80%.
Quan chức này cho rằng năng lượng tái tạo hiện đã có thể cạnh tranh với khí đốt và chi phí phát triển loại hình năng lượng sạch này có thể giảm hơn nữa.
Tuy nhiên, Giám đốc Viện nghiên cứu năng lượng Oxford Bassam Fattouh cho rằng những mục tiêu mà các nước MENA đặt ra "rất tham vọng".
Ông cảnh báo một số thách thức mà những nước này sẽ phải đối mặt như tình trạng độc quyền của hệ thống điện lực hay cơ chế bảo hộ lĩnh vực năng lượng vẫn được một số nước áp dụng.
Hồi tháng 3 vừa qua, Liên hợp quốc đã công bố báo cáo “Xu hướng toàn cầu về Đầu tư cho năng lượng tái tạo năm 2016”, trong đó nêu rõ trong năm 2015, năng lượng tái tạo đóng góp vào quá trình sản xuất năng lượng toàn cầu nhiều hơn so với các nguồn năng lượng khác cộng lại, trong đó có năng lượng hạt nhân, than đá, khí đốt và các dự án nhiệt điện….
Tốc độ phát triển nguồn năng lượng sạch năm ngoái cũng đã vượt trội hơn hẳn nhờ tận dụng nguồn quang điện mặt trời và năng lượng gió – hai nguồn này cộng lại giúp tạo thêm 118 gigawatt điện, tăng gần 25% so với các năm trước đây./.